Ricons: "Đối tác không hợp tác sẽ phải thực hiện biện pháp pháp lý mạnh hơn để thu hồi công nợ"
Xoay quanh lùm xum việc CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) mới đây gửi đơn lên Tòa án về việc thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa qua, Ricons đã úp mở với cổ đông một số thông tin về việc CTD chậm thanh toán.
Sự vụ này diễn ra trong bối cảnh cả hai doanh nghiệp đang trong quá trình tham gia dự thầu gói số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" trị giá hơn 35 ngàn tỷ đồng của sân bay Long Thành.
Theo biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Ricons, một số cổ đông tham dự có nhắc tới "1 cổ đông lâu năm sở hữu rất nhiều cổ phần là cổ đông hiện hữu của Ricons" nhưng không thực hiện việc thanh toán công nợ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu và nguồn vốn của Công ty.
Trước thắc mắc này của cổ đông, Ban lãnh đạo Ricons khẳng định, đối với cổ đông lớn là tổ chức được đề cập ở trên, việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ là không phù hợp với tinh thần hợp tác và trách nhiệm của một cổ đông lớn.
Ricons cho biết, ban điều hành đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay (tại ngày tổ chức ĐHĐCĐ thương niên hôm 23/06 - PV) vẫn chưa có kết quả khả quan.
Lãnh đạo Công ty cho biết, Ricons có giải pháp xử lý cho từng tình huống. Bước đầu sẽ gửi các công văn đốc thúc, nhắc nhở, yêu cầu tuân thủ, hợp tác theo hợp đồng, cam kết đã ký bởi các bên. Sau đó, tổ chức các cuộc họp trực tiếp để thảo luận ra phương án giải quyết. Trong trường hợp đối tác không hợp tác sẽ phải thực hiện biện pháp pháp lý mạnh hơn để thu hồi công nợ.
“Tương tự như các đối tác khác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài thì chúng tôi buộc lòng phải có các biên pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, theo biên bản họp đại hội ghi nhận giải đáp của lãnh đạo Ricons.
Ricons đang “đòi nợ” Coteccons bao nhiêu?
Hiện cả hai Công ty Coteccons và Ricons đều chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023. Theo BCTC quý 1/2023 của CTD, tại ngày 31/03/2023 tổng nguồn vốn hơn 20 ngàn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả hơn 11,805 tỷ đồng.
Trong phần đầu tư góp vốn vào đơn đơn vị khác, Công ty đang sở hữu tỷ lệ 14.3% vốn tại Ricons.
Mặt khác, trong cơ cấu nợ ngắn hạn, phải trả người bán ngắn hạn chiếm hơn 3,976 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả của CTD đối với Ricons là 322.5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Khoản phải trả này bằng 8% tổng số dư phải trả người bán ngắn hạn của Công ty và chiếm 1.6% quy mô tổng tài sản ở thời điểm 31/03.
Được biết vào năm 2019, khi ông Nguyễn Bá Dương còn ngồi ghế Chủ tịch HĐQT CTD, Ricons vẫn là công ty liên kết của CTD và hai bên có các khoản giao dịch hợp đồng kinh tế qua lại cùng nhau. Giá trị khoản nợ của CTD với Ricons tại thời điểm cuối năm 2019 là 594 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2022, khoản nợ này còn hơn 321 tỷ đồng.
Trong thông cáo báo chí mới đây của CTD, Công ty cho biết có lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4,000 tỷ đồng.
Còn Ricons, quý 1/2023, Công ty không có thuyết minh chi tiết về các công nợ phải trả - phải thu với Coteccons.
Tại ngày 31/03/2023, Ricons có các khoản phải thu ngắn hạn hơn 4.1 ngàn tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm tỷ trọng lớn với số dư hơn 3.7 ngàn tỷ đồng, giảm gần 12%. Công ty chỉ dự phòng gần 20 tỷ đồng cho phải thu ngắn hạn khó đòi.
Phần thuyết minh chỉ thể hiện cụ thể hai khách hàng có khoản phải thu lớn là CTCP Gamuda Land (HCMC) và Công ty TNHH Western City (trong thuyết minh số 34), còn lại được Ricons ghi nhận là "các khách hàng khác".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận