REE và biến số dự án thủy điện Thượng Kon Tum
REE vừa thiết lập mức đỉnh giá mới. Phương án mua 1 triệu cổ phiếu quỹ cùng triển vọng sản lượng thủy điện là các động lực tích cực nhưng lợi nhuận dự kiến còn phụ thuộc nhiều biến số.
CTCP Cơ điện lạnh (mã REE) tiếp tục ghi nhận quý thứ tư liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng âm. Lợi nhuận sau thuế đạt 368 tỷ đồng trong quý III, giảm 11,15% so với cùng kỳ và hơn 1.049 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm 15,5% và mới hoàn thành 64,75% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm đến từ tình hình kinh doanh của một số công ty liên kết như Thủy điện Thác Mơ, Nhiệt điện Phả Lai kéo lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết chỉ thu về 164,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 205 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí tài chính quý này cũng phát sinh tăng đột biến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 30 tỷ đồng chủ yếu do đồng euro lên giá.
Ngược lại, lợi nhuận gộp hợp nhất hoạt động kinh doanh chính lại tăng trưởng trong quý vừa rồi. Nhờ mảng hạ tầng điện nước, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp/ doanh thu cũng được cải thiện từ 24,3% cùng kỳ lên 28,3%.
Mặc dù tình hình thủy văn tại các hồ thủy điện miền nam tiếp tục không thuận lợi, nhưng sản lượng điện cũng như doanh thu và lợi nhuận từ các công ty thủy điện tại miền Bắc và miền Trung, bao gồm một số công ty do REE sở hữu cổ phần như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Sông Ba Hạ… đã tăng trong quý III.
Trong quý cuối cùng của năm, bộ phận phân tích Chứng khoán SSI kỳ vọng mảng thuỷ điện sẽ dẫn dắt tăng trưởng khi các nhà máy thủy điện có lượng mưa khá dồi dào trái với tình hình thủy văn cùng kỳ năm ngoái.
Ba kịch bản tùy tình hình thủy văn và ẩn số dự án Thượng Kon Tum
Phân tích của Chứng khoán SSI mới đây nhận định sản lượng thủy điện của doanh nghiệp năng này sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2021. Theo nghiên cứu, La Nina đã kéo dài trong hai năm qua, dựa trên dữ liệu quá khứ, công ty chứng khoán này dự báo năm 2021 có thể là đỉnh điểm về sản lượng và lợi nhuận cho các nhà máy thủy điện.
Cùng đó, dự án Thượng Kon Tum với sản lượng điện bình quân trên 1.094 triệu kWh/năm của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh dự kiến đi vào vận hành từ tháng 11/2020. Đưa vào vận hành dự án thủy điện lớn trên sẽ đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng điện của nhóm công ty này. Tuy nhiên, lợi nhuận từ dự án hiện vẫn còn là ẩn số. Do dự án chưa thực hiện quá trình xác định tổng mức đầu tư cuối cùng, giá bán điện sẽ là nội dung cần đàm phán với Tập đoàn Điện lực (EVN).
Đây là hai biến số sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp này. Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI đưa ra ba kịch bản lợi nhuận của REE trong năm 2021. Trong đó, ở kịch bản tốt nhất, sản lượng điện có thể hồi phục về mức năm 2017. Cùng đó, giá bán điện tại nhà máy Thượng KonTum có thể đàm phán lên 1.100 đồng/ kWh, tức là mức giá trần cho các nhà máy thủy điện năm 2020 giúp nhà máy này có thể lãi ròng 46 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ước tính tăng 14,1% so với cùng kỳ. Trong kịch bản xấu nhất, lợi nhuận ròng ước tính không đổi so với năm 2020 với giả định giá điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh vẫn áp dụng giá tạm thời cho Thượng KonTum là 912 đồng/kWh.
Còn ở kịch bản cơ sở, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ REE ước tính tăng 4,8%. Chứng khoán SSI ước tính sản lượng thủy điện 2021 sẽ tăng khoảng 25-30% so với cùng kỳ do lượng mưa giảm trong nửa cuối 2020, cùng giả định giá bán có thể tăng 5%. Với giá này, Vĩnh Sơn – Sông Hinh có thể lỗ 77 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của REE vẫn được bù đắp bởi các nhà máy thủy điện của công ty con, công ty liên kết khác.
Dù cũng là công ty do REE mua lại nhưng dự án Thượng Kon Tum của Vĩnh Sơn Sông Hinh lại là dự án thủy điện đầu tiên REE tham gia từ quá trình thi công xây dựng. Giữa tháng 9/2020, Vĩnh Sơn – Sông Hinh đã có văn bản mời Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi phát điện các tổ máy. Cập nhật đến cuối tháng 10, tổng tiến độ dự án hiện đạt khoảng 99%. Sắp tới, để bổ sung vốn tài trợ cho dự án, Vĩnh Sơn Sông HInh đang chuẩn bị cho phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu. REE với vai trò cổ đông lớn khả năng cao cũng sẽ tiếp tục góp vốn thêm.
Sau giai đoạn mở rộng nhanh về quy mô, nhất là hồi năm 2019, tổng tài sản hợp nhất của REE đến cuối quý III xấp xỉ 19.810 tỷ đồng, tăng gần 70% so với 5 năm trước. Trong đó, REE có gần 20 công ty liên kết với giá trị đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng. Vĩnh Sơn – Sông Hinh là khoản đầu tư vào công ty liên kết có giá trị lớn nhất của REE ở thời điểm hiện tại với giá trị hơn 2.050 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 49,52% vốn.
Trong cơ cấu nguồn vốn, các khoản vay ngắn và dài hạn mang về 5.580 tỷ đồng, tương đương 28% nguồn vốn. Trong đó, công ty huy động được 2.318 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu hồi tháng 1/2019 do quỹ tín thác CGIF thuộc Ngân hàng châu Á (ADB) bảo lãnh. Số tiền huy động cũng chính để phục vụ cho việc phát triển dự án và các hoạt động mua bán, chuyển nhượng vốn.
Cổ phiếu REE lâp đỉnh mới
Trong tuần qua, giá cổ phiếu REE đã có thời điểm bật tăng lên 44.700 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong gần 15 năm giao dịch (tính theo giá đã điều chỉnh). Ngoài kỳ vọng từ sự tăng trưởng của mảng thủy điện, phương án mua cổ phiếu quỹ cũng là động lực tích cực cho cổ phiếu.
REE dự tính thực hiện phương án mua lại cổ phiếu quỹ để làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (ESOP) trong giai đoạn 2021-2023. Dự kiến từ 2/12/2020 đến 29/12/2020, công ty sẽ mua lại 1 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 0,3% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Cổ phiếu ESOP phân phối cho CBCNV dự kiến thay thế cho tiền thưởng hàng năm cho ban lãnh đạo và không chịu thời gian hạn chế chuyển nhượng mà có thể giao dịch ngay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận