'Rã đông' khối tiền triệu tỷ đang co cụm trong dân
Bất chấp lãi suất “thủng đáy”, người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng. Tiền của nhà đầu tư chứng khoán để trong tài khoản cũng tăng kỷ lục. Giới phân tích cho rằng cần nhanh chóng có các giải pháp để "rã băng" dòng tiền chảy vào nền kinh tế, tạo tăng trưởng.
Tiền gửi vào ngân hàng, tài khoản chứng khoán tăng kỷ lục
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2023, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt mức kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng.
Lượng tiền gửi vào các ngân hàng cũng tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính của Vietcombank, ngân hàng này có lượng tiền gửi cả năm 2023 đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng thêm 12,2% so với năm trước đó. Tại VietinBank, tiền và vàng gửi của khách hàng đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13%. Đáng chú ý, tại BIDV, lượng tiền gửi đến cuối năm 2023 đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 15,7% so với hồi đầu năm.
Có thể thấy, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất được đánh giá thấp nhất trong 20 năm trở lại đây, người dân và các tổ chức vẫn ồ ạt gửi tiền vào kênh này.
Không chỉ tại ngân hàng mà tiền gửi, tiền nằm chờ của nhà đầu tư ở các công ty chứng khoán cũng tăng cao.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2023 của các công ty chứng khoán cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tới cuối năm 2023 đạt 83.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,3 tỷ USD). Đây là quý thứ 3 liên tiếp lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tăng so với quý trước, đồng thời là mức cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây.
Tính chung cả năm 2023, lượng tiền gửi tại các công ty chứng khoán đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua, tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Số tiền này tập trung nhiều ở các công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần. Chứng khoán VPS đứng đầu về số dư tiền gửi khách hàng, với gần 16.600 tỷ đồng, bằng 70% so với tiền huy động của một ngân hàng cỡ nhỏ.
Tiếp theo là VNDirect với số dư tiền gửi hơn 6.366 tỷ đồng, tăng 35% so với cuối năm 2022; TCBS với số dư tiền gửi 5.774 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần và SSI với số dư tiền gửi 5.274 tỷ đồng, tăng gần 12%.
Theo giới phân tích, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng và tiền mặt trong tài khoản chứng khoán cao kỷ lục phản ánh sự lo lắng của người dân, doanh nghiệp về triển vọng của các kênh đầu tư. Nhà đầu tư đang có sự thận trọng cao và các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý... vẫn chưa đủ hấp dẫn để nhà đầu tư ra quyết định giải ngân.
Với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư trông chờ, lạc quan vào cơ hội thị trường, rót tiền và chuẩn bị sẵn sàng giao dịch, nhưng sau đó lại chưa đẩy mạnh giải ngân vì chưa tìm được thời điểm phù hợp, lựa chọn được cổ phiếu.
Nhiều người do không có nhiều kiến thức, thông tin biến động của thị trường nên rất ngại đầu tư vào những kênh rủi ro. Đây chính là lý do khiến lãi suất tiết kiệm dù rất thấp vẫn không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chảy qua các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán.
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) - cho rằng dòng tiền tập trung chờ đợi ở ngân hàng là do triển vọng kém sáng của các kênh đầu tư. Với các công ty chứng khoán, tiền gửi chủ yếu đến từ các tổ chức khi họ hạn chế đầu tư trong bối cảnh thị trường năm qua tăng trưởng chưa bền vững.
Cách nào để "rã đông" dòng tiền?
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc người dân tăng gửi tiết kiệm và để dành tiền trong tài khoản chứng khoán là điều bất lợi cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng thực trạng lượng tiền gửi tăng đột biến tại ngân hàng trong thời gian gần đây phản ánh lo lắng của người dân về tình hình kinh tế có thể xấu đi trong tương lai, họ sẽ thắt chặt chi tiêu, tăng tỷ lệ tiết kiệm. Điều này sẽ khiến tiêu dùng giảm, kéo theo sự giảm sút của tăng trưởng tổng cầu và ảnh hưởng nhiều đến khả năng hồi phục của nền kinh tế.
Hơn nữa, lượng tiền gửi ngân hàng tăng cao còn cho thấy tâm lý chung của người dân vẫn là thận trọng và chờ đợi cơ hội đầu tư vào các kênh khác. Điều này cho thấy yếu tố an toàn được ưu tiên trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Giới phân tích cho rằng cần nhanh chóng có các giải pháp để "rã băng" dòng tiền chảy vào nền kinh tế, tạo tăng trưởng.
Để thúc đẩy dòng tiền chảy vào nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng điều mà người dân, doanh nghiệp cần hiện nay là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức từ ngân hàng. Các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ rất cần sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế đang có những điều kiện nội tại tốt để hồi phục trong năm 2024 gồm mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, xuất nhập khẩu bắt đầu tăng trưởng trở lại và đầu tư công vẫn được đẩy mạnh. Triển vọng phục hồi tăng trưởng của doanh nghiệp cũng dần rõ ràng hơn khi lãi suất đủ thấp sẽ bắt đầu kích thích các hoạt động kinh tế và làm tăng vòng quay của tiền.
Hơn nữa, môi trường kinh doanh quốc tế năm 2024 được kỳ vọng có thuận lợi hơn cho các kênh đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn.
Các chuyên gia cũng dự báo dòng tiền này sẽ sớm phân bổ, tìm kiếm các đầu tư có lãi suất tốt hơn trong năm 2024.
Bà Trần Khánh Hiền dự báo, năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên "sáng" hơn nhờ các quy định pháp lý rõ ràng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành. Thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng nhưng cần lưu ý yếu tố bất định từ phía bên ngoài rằng liệu Fed có giảm lãi suất đúng như kỳ vọng hay không. Còn thị trường bất động sản "ấm" hơn nhưng nhiều khả năng thời điểm sẽ rơi vào nửa sau năm 2024.
Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty CP FIDT - nhận định kênh chứng khoán sẽ thu hút dòng tiền trong năm nay dựa trên niềm tin vào sự phục hồi kinh tế. Sau đó là bất động sản ở khu vực trung tâm, thổ cư, chung cư, nhà đất... Tiếp theo là phân khúc đầu cơ như đất nông nghiệp, phân lô bán nền sẽ cần chờ đến đầu năm 2025 mới có nhiều cơ hội.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư của quỹ ngoại Dragon Capital - bày tỏ tin tưởng, năm 2024, cơ hội trên thị trường chứng khoán sẽ sáng hơn.
Theo giới phân tích, có khá nhiều yếu tố được kỳ vọng sẽ là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán như nền tảng vĩ mô vững chắc, mặt bằng lãi suất thấp, nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng như thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất. Thị trường bất động sản được kỳ vọng dần tốt lên khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận