Quan ngại suy thoái được xoa dịu, giá dầu đi lên
Giá dầu Brent và WTI tương lai tăng lần lượt 0,08% và 0,05%.
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch 5/8 sau khi dữ liệu việc làm tháng 7 tại Mỹ được công bố, giúp xoa dịu quan ngại suy thoái.
Giá dầu Brent tăng 0,8 USD, tương đương 0,08%, lên 94,92 USD/thùng, thấp hơn 11% so với giá dầu chốt phiên giao dịch thứ sáu tuần trước. Giá dầu WTI tăng 0,47 USD, tương đương 0,05%, lên 89,01 USD. Chốt tuần, giá dầu WTI giảm 8%.
Kinh tế Mỹ có thêm 528.000 việc làm mới trong tháng 7, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2022, theo báo cáo của Bộ Lao Động.
“Đây chính là dữ liệu kinh tế quan trọng giúp đẩy giá dầu đi lên trong ngày hôm nay”, theo Bob Yawger, Giám đốc khối năng lượng tương lai tại Mizuho.
Giá dầu nhích lên nhẹ trong ngày 5/8. Ảnh: Reuters. |
Tâm lý nhà đầu tư trong tuần giao dịch vừa qua chịu ảnh hưởng lớn từ lạm phát, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung giúp giá dầu không bị đẩy xuống quá sâu.
Số lượng giàn khoan dầu, một chỉ số đo lường sản lượng dầu tương lai, giảm 7 đơn vị xuống 598 giàn khoan trong tuần kết thúc vào ngày 5/8, lần giảm đầu tiên trong vòng hơn hai tháng qua, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co.
Quan ngại suy thoái liên tục gia tăng sau khi Ngân hàng trung ương Anh cảnh báo quốc gia này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài sau khi tăng lãi suất thêm 0,5% trong ngày 4/8, mức tăng cao nhất kể từ năm 1995.
Nguồn cung dầu toàn cầu tiếp tục gặp khó. OPEC+ nhóm họp trong tuần này đồng thời thống nhất tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1982, theo dữ liệu của OPEC.
Quan ngại khan hiếm nguồn cung sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt khi mùa đông ngày một tới gần, trong khi đó, các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga qua đường biển của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.
“Với việc EU cấm nhập khẩu dầu từ Nga theo đường biển, câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia sản xuất dầu lớn tại Trung Đông sẽ điều hướng xuất khẩu sang khu vực này hay không”, theo Michael Tran, Chuyên gia phân tích tới từ RBC.
“Tác động của các lệnh cấm vận dầu Nga sẽ là chủ đề được theo dõi sát sao trong phần còn lại của năm nay”, ông nói.
Kim loại quý
Giá vàng giảm gần 1% trong bối cảnh quan ngại suy thoái phần nào được xoa dịu sau báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ.
Giá vàng giao ngay giảm 0,92% xuống 1.774,97 USD/ounce. Giá vàng tương lai tại Mỹ giảm 0,87% xuống 1.791,1 USD/ounce.
“Giá vàng liên tục đi lên thời gian gần đây khi nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ thay đổi quan điểm chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng. Tuy nhiên, dữ liệu việc làm tháng 7 cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối vững chãi, đồng thời cho phép Fed có thể trở nên quyết liệt hơn trong thời gian tới. Đó là thông tin không tốt đối với giá vàng”, theo Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities.
Môi trường lãi suất cao không có lợi đối với vàng, một loại hình tài sản phi lợi suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường