Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Dự án khu du lịch bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, dự án chung cư vướng pháp lý và thiếu vốn, mục tiêu doanh thu của Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) năm 2023 tiếp tục bằng 0, nối dài chuỗi thua lỗ.
Tại Báo cáo tài chính (đã kiểm toán) năm 2022 vừa được PVR (mã PVR, UpCOM) công bố, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã từ chối đưa ra ý kiến bởi 6 nguyên nhân chính.
Đáng lưu ý là, PVR đang theo dõi chi phí đầu tư xây dựng cơ bản vào Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, lũy kế đến cuối năm 2021 và 2022 đều là 24,92 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay lũy kế đến 31/12/2022 là 7,34 tỷ đồng. PVR cũng đang gặp rủi ro về việc bị thu hồi Dự án. AASC chưa thu thập đủ hồ sơ chắc chắn về hiệu quả đầu tư và định hướng triển khai cụ thể của PVR, nên không đánh giá được khả năng xảy ra tổn thất với chi phí đầu tư vào Dự án...
Một vấn đề cần lưu tâm khác là, PVR chưa xem xét trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Bình An tại thời điểm cuối năm 2021 và 2022.
Trong văn bản giải trình, PVR cho biết, đối với Dự án Tản Viên, ngày 20/7/2019, PVR đã nhận được văn bản từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động Dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Công ty đã dừng mọi hoạt động liên quan đến Dự án.
Liên quan đến Công ty Bình An, theo nội dung Báo cáo số 53 của Hội đồng Quản trị PVR ngày 8/3/2023, mặc dù PVR đã tích cực gửi văn bản yêu cầu Công ty Bình An cung cấp bộ báo cáo tài chính 2018 - 2022, nhưng không nhận được phản hồi, nên chưa có cơ sở trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính này.
Bên cạnh các vấn đề bị kiểm toán lưu ý, báo cáo tài chính năm 2022 của PVR cũng cho thấy, doanh nghiệp này không có hoạt động kinh doanh trong năm 2022, khi mà doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận bằng 0.
Doanh thu tài chính trong năm 2022 của PVR đạt hơn 5,9 tỷ đồng là nhờ lãi từ bán các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, Công ty PV2... Thu không đủ bù chi, nên PVR lỗ ròng 3,83 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 80,4 tỷ đồng. PVR nhìn nhận, nguyên nhân lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính và lãi vay.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của PVR ghi nhận 982,5 tỷ đồng, trong đó, hàng tồn kho là 692,7 tỷ đồng. Toàn bộ giá trị hàng tồn kho này đang được ghi nhận vào Dự án chung cư CT10-11 Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội). Tuy nhiên, dự án này đang tạm dừng thi công; tập trung giải quyết, hoàn thiện các vấn đề sai sót pháp lý.
Theo PVR, Công ty vẫn đang tiếp xúc khách hàng, đưa ra nhiều phương án tháo gỡ khó khăn và tiếp tục triển khai Dự án, nhưng hầu hết khách hàng không hợp tác, có nguyện vọng xin rút vốn, thanh lý hợp đồng, nên việc tiếp tục triển khai Dự án gặp rất nhiều khó khăn.
PVR cho biết, sẽ chỉ triển khai thi công trở lại đối với Dự án chung cư CT10-11 Văn Phú khi được phê duyệt phòng cháy - chữa cháy, các hồ sơ pháp lý khác liên quan đến Dự án đúng quy định của pháp luật, đồng thời tìm kiếm được nguồn vốn, các đối tác có tiềm lực tài chính để hợp tác kinh doanh xây dựng hoặc khi khách hàng tiếp tục nộp tiền.
Năm 2023, PVR tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu bằng 0, lỗ ròng 2 tỷ đồng, tập trung thu hồi các khoản đầu tư tài chính để có nguồn trang trải chi phí hoạt động và tìm kiếm cơ hội đầu tư khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường