Philippines tiếp cận các hãng chip Đài Loan, nỗ lực cạnh tranh với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam
Lãnh đạo nhóm ngành bán dẫn Philippine cho rằng các quốc gia láng giềng trong Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và cả Việt Nam đang tiến lên mạnh mẽ trong ngành công nghiệp chip bán dẫn…
Philippines đang cố gắng chiêu mộ các công ty chip khổng lồ của Đài Loan (Trung Quốc). Theo hãng tin Bloomberg, đây là nỗ lực của Philippines nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, một nỗ lực để bắt kịp các nước láng giềng đang nổi lên như những nhà cung cấp quan trọng trong ngành.
ĐẶT CƯỢC VÀO CHI PHÍ SẢN XUẤT THẤP VÀ LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG DỒI DÀO
Ông Dan Lachica, người đứng đầu nhóm ngành công nghiệp điện tử chính của quốc gia Đông Nam Á này, cho biết hiện tại Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và United Microelectronics Corp. nằm trong những công ty mà Philippines đang tiếp cận khi tìm kiếm thiết bị và chuyên môn để xây dựng hoạt động chế tạo chip. Hiệp hội đang làm việc với các quan chức Philippines tại Đài Loan để trao đổi với các đối tác tiềm năng.
"Tôi hy vọng rằng TSMC hoặc UMC hoặc một số công ty khác mong muốn xây dựng nhà máy sản xuất wafer ở nước ngoài sẽ cân nhắc đến Philippines. Chúng tôi sẽ đào tạo công nhân Philippines để các công ty có thể triển khai trong các hoạt động toàn cầu của mình", ông Lachica cho biết.
Bloomberg bình luận rằng tại khu vực Đông Nam Á, Philippines với hơn 100 triệu người dân đang có phần tụt hậu so với các nước láng giềng như Malaysia và Singapore trong ngành công nghiệp sản xuất chip phức tạp, nơi các nhà máy có thể cần hàng tỷ đô la đầu tư ban đầu. Đài Loan đang dẫn đầu thế giới về sản xuất chip và các công ty của họ bao gồm TSMC đang mở rộng ra nước ngoài để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến địa chính trị.
Đại diện của TSMC không trả lời yêu cầu bình luận. "Chính sách của UMC là không bình luận về suy đoán của thị trường", một phát ngôn viên của UMC cho biết trong email.
Philippines đang đặt cược rằng chi phí thấp và lực lượng lao động dồi dào của mình có thể giúp thu hút các nhà sản xuất. Thiếu hụt nhân tài là một trong những thách thức chính đối với các nhà sản xuất chip toàn cầu từ Hoa Kỳ đến Malaysia - ngành công nghiệp này sẽ cần thêm hơn 1 triệu công nhân lành nghề trên toàn thế giới vào năm 2030, theo ước tính của hãng nghiên cứu Deloitte.
Về câu chuyện nguồn nhân lực, hãng nghiên cứu Deloitte cho rằng với ước tính ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần hơn hai triệu nhân viên trực tiếp trên toàn thế giới vào năm 2021, thế giới sẽ cần thêm hơn một triệu công nhân lành nghề vào năm 2030, tương đương với hơn 100.000 người mỗi năm. Trong khi đó, hiện nay có chưa đến 100.000 sinh viên sau đại học theo học ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại Hoa Kỳ hàng năm.
Tình trạng thiếu hụt nhân công bán dẫn có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Môi trường kinh tế toàn cầu hiện tại và các vấn đề đang diễn ra trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn làm tăng thêm những thách thức mà các công ty bán dẫn phải đối mặt. Tuy nhiên, có những giải pháp mà các công ty và nhà hoạch định chính sách có thể triển khai để giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài bán dẫn, từ đầu tư phát triển các kênh nhân tài mới đến quan hệ đối tác với các tổ chức giáo dục và chính phủ….
INDONESIA, MALAYSIA VÀ CẢ VIỆT NAM ĐANG TIẾN LÊN MẠNH MẼ TRONG NGÀNH BÁN DẪN
Nhóm ngành công nghiệp điện tử Semiconductor and Electronics Industries in the Philippines Foundation Inc đang nỗ lực đa dạng hóa các vai trò của Philippines ngoài việc thử nghiệm và đóng gói chip, một phần kém tiên tiến hơn của quy trình sản xuất có biên lợi nhuận mỏng.
"Chúng tôi cũng đang tiến lên chuỗi giá trị về mặt thiết kế IC và hy vọng là cả nhà máy sản xuất wafer bán dẫn", ông Lachica cho biết.
Lãnh đạo nhóm công nghiệp điện tử và bán dẫn Philippines cho rằng họ đã có phần tụt hậu hơn so với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, trong những năm gần đây sau khi cải tổ các chương trình khuyến khích địa phương dẫn đến dòng sản xuất tiên tiến chảy đến nơi khác. Ông Lachica cho biết xuất khẩu điện tử và chất bán dẫn của Philippines sẽ giảm 10% trong năm nay do điều chỉnh hàng tồn kho, trước khi phục hồi 5% vào năm tới.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines đã ủng hộ một dự luật nhằm thay đổi chế độ khuyến khích để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn. Trong khi đó, những nỗ lực được Hoa Kỳ và Nhật Bản hậu thuẫn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho Philippines báo hiệu triển vọng tốt đẹp cho ngành công nghiệp này.
Ông Lachica cho biết các quốc gia láng giềng trong Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và cả Việt Nam đang tiến lên mạnh mẽ trong ngành công nghiệp chip bán dẫn. Ông cho rằng Philippines “cần phải đứng lên và về cơ bản là nói với thế giới rằng Philippines đã mở cửa kinh doanh trở lại".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận