Phát triển nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, giá trị cao và bền vững
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, việc triển khai thực hiện ba đề án lớn liên quan đến sức khoẻ cây trồng, thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ là chủ trương nhằm hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
Cục BVTV vừa công bố triển khai thực hiện các Chương trình sức khỏe cây trồng (IPHM), phát triển nghiên cứu sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ đến năm 2030.
Cục BVTV cho biết, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên Chính phủ phê duyệt một Chiến lược ngành có phạm vi mang tính toàn diện, bao trùm, liên ngành. Chiến lược này thay đổi cách tiếp cận chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV |
Trong đó, các quan điểm mới được nêu rõ, toàn diện về nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu lớn nhất được đưa ra là nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Kết thúc năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp được đánh giá đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Các kết quả đạt được của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy nhiều chuyển biến hết sức tích cực, rõ nét chủ trương, định hướng lớn của toàn ngành theo hướng giá trị gia tăng, gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái…
Trong đó phải kể đến lĩnh vực trồng trọt, sản xuất lúa trên cả nước đã có một năm thắng lợi toàn diện khi vừa được mùa, vừa được giá. Sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, nhất là rau quả ghi nhận kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ NN&PTNT.
Để triển khai thực hiện những định hướng lớn của ngành, Bộ NN&PTNT đã xây dựng nhiều chương trình, đề án cụ thể. Riêng ngành bảo vệ thực vật có 3 đề án lớn vừa được Bộ phê duyệt.
Sầu riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng mạnh trong thời gian qua |
Cụ thể là Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 tại Quyết định số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 được phê duyệt, dựa trên cơ sở Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/09/2023 của Bộ NN&PTNT về kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực của Việt Nam giai đoạn 2022-2030.
Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, được phê duyệt tại Quyết định số 5190/QĐ-BNN-BVTV ngày 07/12/2023. Đây được xem sẽ là cú hích tạo điều kiện hơn nữa cho việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, giảm chi phí trong giai đoạn tới.
Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 5415/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đây là ba đề án độc lập nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhằm huy động và phát huy những lợi thế, hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục BVTV và ông Đặng Văn Bảo – Chủ tịch CropLife Việt Nam ký kết Kế hoạch hợp tác triển khai chương trình “Khung Quản lý Thuốc Bảo vệ thực vật bền vững” năm 2024 giữa hai đơn vị |
Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm và cải thiện năng suất cây trồng. Tuy nhiên, lạm dụng hóa chất, bao gồm thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, phá vỡ đa dạng sinh học, thoái hóa đất, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học (BVTVSH) và phân bón hữu cơ hiện được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ...ở trong và ngoài nước đang là một động lực và áp lực có hiệu quả để khuyến khích người sản xuất sử dụng rộng rãi thuốc BVTVSH, phân bón hữu cơ và áp dụng biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp nhằm nâng cao khả năng phòng chống SVGH, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết.
Theo ông Đạt, việc triển khai thực hiện ba đề án trên là chủ trương nhằm hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Đây cũng là một xu thế tất yếu của các nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển.
Lãnh đạo Cục BVTV cũng cho biết, Cục BVTV, Bộ NN&PTNT mong muốn nhận được sự ủng hộ và tham gia của các bên liên quan để thực hiện thành công các đề án trên.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ hiện được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững |
Đặc biệt, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển IPHM, phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các thành phần kinh tế, tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường. Nông dân và các tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, …) liên kết hợp tác để phát triển.
Theo Cục BVTV, sự chung tay đồng hành của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón và người dân sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ. Qua đó, góp phần phát triển một nền nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, hướng đến giá trị cao và bền vững.
- Phấn đấu có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh và cây dược liệu được áp dụng IPHM; 70% diện tích ngô, cây công nghiệp được áp dụng IPHM; lượng thuốc BVTV hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường.
-Trên 80% số xã (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có đội ngũ nông dân nòng cốt (ít nhất 05 nông dân nòng cốt/xã, phường) có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.
- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng.
- Phấn đấu trên 90% số xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định….
Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc mục tiêu đến 2030:
- Nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón.
- Nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 5 triệu tấn/năm.
- Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
- Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 20 triệu tấn/năm.
- Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn).
- Ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.
- 100% số tỉnh, thành phố có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả….
Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
-Đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30% so với tổng số thuốc BVTV.
-Tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng.
- Nâng tỷ lệ các cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học lên 90% so với tổng số cơ sở sản xuất thuốc BVTV đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV.
- Ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.
- Xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn)…
Kim Oanh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận