Phát Đạt: Bán Astral City thu về 3.350 tỷ đồng, dòng tiền đảm bảo trả nợ trái phiếu
Bán Astral City, Phát Đạt thu về 3.350 tỷ đồng, ghi nhận trong nửa cuối năm nay. Số tiền này giúp công ty hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm cũng như có vốn đầu tư các dự án khác.
Dòng tiền 3.350 tỷ đồng từ bán Astral City
Phát Đạt (HoSE: PDR) vừa tổ chức gặp gỡ các nhà phân tích. Đại diện công ty cho biết trong tháng 6, Phát Đạt đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Địa ốc Sài Gòn - KL, đơn vị sở hữu trực tiếp dự án Astral City tại Bình Dương. Dự kiến, thương vụ này sẽ mang về cho Phát Đạt số tiền mặt 3.350 tỷ đồng, ghi nhận lợi nhuận trong quý III và IV.
Bà Trần Thị Hường, Phó Chủ tịch HĐQT khẳng định việc chuyển nhượng này đảm bảo cho Phát Đạt hoàn thành chắc chắn mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.635 tỷ đồng trong năm nay, cùng với việc bán sản phẩm cao tầng Phân khu số 4 dự án Nhơn Hội (Bình Định) và một số dự án nhỏ lẻ khác.
Cũng theo bà Hường, từ tháng 4 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) gặp nhiều rào cản trong việc huy động vốn, khi vốn tín dụng bị kiểm soát, trái phiếu bị siết phát hành. Phát Đạt là một thành viên của thị trường nên không có ngoại lệ. Do đó, Phát Đạt tính đến phương án chuyển nhượng dự án này để nhận về một số tiền mặt không dễ có trong thời điểm hiện tại, lấy tiền đi đầu tư. Vừa qua, Phát Đạt đã công bố mua dự án 197 Điện Biên Phủ, TP HCM, trong 2 - 3 tháng tới sẽ công bố nhiều dự án khác. Chiến lược của Phát Đạt là liên tục tấn công, sẵn sàng bán dự án nếu chọn lựa được các dự án mới có hiệu quả cao hơn dự án hiện tại.
Mặc dù vậy, bà Hường cho biết kế hoạch doanh thu năm nay trên 10.000 tỷ đồng từ bán sản phẩm trực tiếp ra thị trường sẽ không thực hiện được.
Dòng tiền 2022 - 2023 đủ cân đối nợ
Theo bà Hường, vừa qua 27/7, Phát Đạt đã mở bán dự án Cadia Quy Nhơn (số 1 Ngô Mây, Bình Định), ghi nhận dòng tiền khoảng 2.000 tỷ đồng từ tháng 8 tới cuối năm 2023. Cuối năm nay, Phát Đạt mở bán thêm dự án Serenity Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Bình Dương Tower (Bình Dương). Tổng số tiền thu về khoảng 10.000 tỷ đồng, đảm bảo cho việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu trong 2023 như đã cam kết với các trái chủ.
Tính tại ngày 30/6, Phát Đạt có hơn 4.842 tỷ đồng nợ vay tài chính, tăng 41% trong nửa đầu năm. Trong đó, 69% nợ dài hạn mà chủ yếu là các khoản vay từ phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm, đáo hạn năm 2023 và 2024.
Tính đến cuối kỳ, hàng tồn kho của Phát Đạt khoảng 13.106 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 56% tổng tài sản.
Trong đó, loại trừ EverRich 2 và 3 (đã nhận tiền của đối tác, đang hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng), các dự án chiếm phần lớn tồn kho là Tropicana Bến Thành Long Hải, Bình Dương Tower, Phước Hải. Công ty cho biết những dự án này dự kiến năm 2022 - 2023 sẽ được giới thiệu ra thị trường, thu về khoảng 33.000 tỷ đồng doanh số.
Quỹ đất 7.500 ha, trong đó 20 - 30% sẵn sàng phát triển
Nói về quỹ đất, Phát Đạt hiện có khoảng 7.500 ha tại TP HCM, Đồng Tháp, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Trong đó, 71% dành cho các dự án dân dụng, 27% là khu công nghiệp. Còn lại, công ty thử nghiệm 165 ha với các loại hình mới như thương mại, logistics, du lịch nghỉ dưỡng...
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc nói Phát Đạt chia quỹ đất theo tiêu chí sẵn sàng và chưa sẵn sàng phát triển. Quỹ đất sẵn sàng là đủ điều kiện xin giấy phép xây dựng, thực hiện dự án. Còn quỹ đất chưa sẵn sàng là tiếp tục phải làm các thủ tục pháp lý. Ở Phát Đạt, trong số 7.500 ha kể trên, 20 - 30% là quỹ đất sẵn sàng.
Với mảng BĐS khu công nghiệp (KCN), Phát Đạt đầu tư thông qua công ty con với tỷ lệ sở hữu 68%. Quỹ đất KCN mà công ty đang tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trải dài từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Quốc. Tổng diện tích khoảng 12.000 ha và đều trong quy hoạch của tỉnh.
Ông Lê Quang Phúc, Thành viên HĐQT độc lập nói 3 vấn đề lớn mà Phát Đạt cho rằng ảnh hưởng tới tiến độ dự án gồm thủ tục đầu tư, quy hoạch và các tiêu chí thiết kế công trình. Trong đó, thủ tục đầu tư gồm các vấn đề về đất như đất có nguồn gốc Nhà nước, đất chưa có quy hoạch đất ở...
Về quy hoạch, tốc độ đô thị hóa ở các thành phố lớn ngày càng nhanh, quy hoạch 1/2.000 ở nhiều địa phương thay đổi liên tục nên nếu làm quy hoạch 1/500 không phù hợp 1/2.000 thì doanh nghiệp sẽ phải chờ đợi điều chỉnh 1/2.000. Một số doanh nghiệp xin điều chỉnh cục bộ để rút ngắn thời gian, tuy nhiên hiện nay đã khó thực hiện hơn.
Về tiêu chuẩn thiết kế, đôi khi doanh nghiệp không phát triển được mặt bằng dự án theo ý đồ. Kinh nghiệm trong 2 năm vừa qua, một số dự án Phát Đạt phải đối mặt với các vấn đề này, làm dự án đình trệ 3 - 6 tháng nhưng đều được tháo gỡ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận