Ông Vũ Tiến Lộc: 'Không chỉ cần tiền, doanh nghiệp cần cơ chế'
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Quốc hội ban hành một 'gói' cải cách thể chế để thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Điều doanh nghiệp cần hơn cả hỗ trợ tài khoá, tiền tệ lúc này là đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Ngày 10/12, Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) đã tổ chức hội thảo Nhìn lại kinh tế vùng năm 2021 và kịch bản năm 2022.
Phát biểu tại hội thảo về thực trạng doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Long An cho biết, tỉnh Long An từng là một trong các tâm dịch của cả nước với tổng số ca nhiễm COVID-19 ở mức rất cao, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Cho đến thời điểm hiện tại, sau khi UBND tỉnh Long An ban hành văn bản về điều chỉnh biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 đến nay đã có 95% doanh nghiệp hoạt động trở lại với khoảng 330.000 lao động (94%). Tuy nhiên đa số các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khó khăn, khan hiếm lao động; tỷ lệ thiếu hụt lao động khoảng 10-20%; doanh nghiệp phục hồi năng suất mới chỉ đạt 70-80% doanh nghiệp.
Theo ông Võ Quốc Thắng, nguyên nhân chủ yếu gây khó khăn cho doanh nghiệp là nguyên liệu, hàng hoá nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, đáp ứng không kịp thời, khan hiếm, giá thành cao; chi phí hoạt động tăng cao, do các phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch; Chi phí xét nghiệm, đầu tư đáp ứng điều kiện kiểm soát, phòng chống, đảm bảo an toàn dịch bệnh; doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, chính sách.
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, trong tháng 11 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có 7.533 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể là 8.955 doanh nghiệp. Về hoạt động thương mại, trong bối cảnh chung của cả nước về tăng trưởng cả xuất khẩuvà nhập khẩu, thì vùng ĐBSCL lại chịu tác động tiêu cực nhiều trong quý III/2021. Kim ngạch xuật nhập khẩu của ĐBSCL suy giảm từ tháng 6 đến tháng 9/2021 (từ mức 1.954 triệu USD tháng 5 xuống 1.580 triệu USD tháng 6 và xuống 1.023 triệu USD tháng 9).
"Điều khó khăn nhất doanh nghiệp phải đồi mặt là tình hình diễn biến phức tạp của COVID-19 đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt, tái cấu trúc chi phí, lao động để duy trì hoạt động, phòng tránh rủi ro để bảo toàn vốn", bà Hương nói.
Theo đó, VCCI kiến nghị Chính phủ nên kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, thuế, tiền thuê đất và các gói tài chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
TS. Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch VIAC cho biết, Chính phủ đang chuẩn bị cho kế hoạch hồi phục nền kinh tế bao gồm cả giải pháp tài khoá, tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Cách thức tiếp cận về cơ bản là thận trọng, đảm bảo có hiệu quả, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
"Gói hỗ trợ sẽ không quá lớn để gây xáo trộn thị trường hay đẩy nhanh lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nợ xấu ngân hàng. Cơ bản vẫn sẽ là giãn, hoãn, giảm các loại thuế; có gói giải pháp để giảm lãi suất, bù lãi suất cho hệ thống ngân hàng để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp; cùng với đó là tiếp tục tái cơ cấu nợ, duy trì nhóm nợ", ông Lộc nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, đang kiến nghị với Quốc hội, bên cạnh gói hỗ trợ về tài khoá tiền tệ là hữu hạn thì cần gói hỗ trợ quan trọng hơn là cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục kinh doanh.
"Đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh cải cách thể chế. Quốc hội đã quyết định cơ chế đặc thù cho các địa phương, nay cần cơ chế đặc thù về thủ tục hành chính cho 2 năm 2020-2023. Quốc hội cần cấp cho Chính phủ quyền triển khai những giải pháp không có trong tiền lệ, có thể đụng chạm một số quy định trong luật để phục hồi kinh tế, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đơn giản hoá thủ tục đầu tư toàn xã hội", ông Lộc nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận