Ông Võ Văn Thưởng: Xử lý 'bất kể là ai' liên quan án tham nhũng
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị Ban Nội chính Trung ương tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm vụ án Việt Á, Cục Lãnh sự, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát.
Sáng 4/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, sau gần 10 năm tái lập, vị thế, vai trò ngành nội chính Đảng ngày càng được nâng cao.
Một trong những nhiệm vụ ông Thưởng đề nghị ngành nội chính thực hiện thời gian tới là tham mưu các chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, chống tham nhũng, cải cách tư pháp.
Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; tổng kết thực hiện chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Đồng thời, Ban đề xuất cơ chế bảo vệ cán bộ cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án khi thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Thưởng, công tác kiểm soát quyền lực và bảo vệ cán bộ cần đáp ứng hai yêu cầu. Một mặt chống tham nhũng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để ngăn ngừa sai phạm, đồng thời có cơ chế bảo vệ cán bộ những cơ quan này.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Nội chính Trung ương đôn đốc nâng cao hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào".
Cùng với tham mưu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát, ngành nội chính cần tham mưu xử nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Nói về hiện tượng cán bộ có tâm lý e ngại khi thực thi công vụ, sợ sai không dám làm, ông Thưởng nhấn mạnh: "Chống tham nhũng là trừng trị cái xấu nhưng đồng thời khuyến khích người làm đúng, làm tốt. Còn để xảy ra tâm lý e ngại trong thực hiện công việc thì đó là tiêu cực". Ban Nội chính cần tham mưu giải quyết vấn đề này hiệu quả, không để tư tưởng tiêu cực này hình thành, len lỏi, làm chậm công việc.
Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị ngành nội chính tập trung làm rõ sai phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, tài sản công, định giá...
Cho rằng quản trị quốc gia, doanh nghiệp không tránh khỏi sai sót, nhưng quan trọng là không để sai lầm tương tự lặp lại, ông Thưởng đề nghị nghiên cứu, tính toán, giám sát quá trình xây dựng pháp luật trên một số lĩnh vực để không nảy sinh tiêu cực, ngăn ngừa từ sớm, từ xa để không thể tham nhũng được.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: Noichinh
Tiếp thu các ý kiến nêu trên, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết sẽ nỗ lực khắc phục hạn chế, phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý vấn đề phức tạp, nhạy cảm, vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Ngành nội chính sẽ tiếp tục thực hiện "đúng vai, thuộc bài". Đúng vai là thực hiện đúng chức năng cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng về chủ trương, chính sách lớn lĩnh vực nội chính, chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Thuộc bài là thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, không làm thay việc cơ quan khác.
Theo báo cáo, năm 2022 các bộ ngành đã chuyển 498 vụ việc; địa phương chuyển 181 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, đến cơ quan điều tra.
Năm 2022, đã có 27.400 tỷ đồng tài sản tham nhũng được thu hồi, tăng 18.000 tỷ đồng so với năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận