Nóng tuần qua: Hiện tài sản của ông Trịnh Văn Quyết gồm những gì và giá trị còn bao nhiêu?
Ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, số tài sản cá nhân bị kê biên tích lũy sau hơn 20 năm có giá trị khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết nói có 5.000 tỷ để bồi thường, tài sản là những gì?
Ngày 23/7, trả lời về phương án bồi thường cho thiệt hại 4.300 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, số tài sản cá nhân bị kê biên tích lũy sau hơn 20 năm có giá trị khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng và mong được tạo điều kiện khắc phục. Hiện có tài sản không thế chấp, có tài sản đang thế chấp cho các khoản vay và đang bị cơ quan tố tụng ra lệnh phong tỏa.
Tính tới cuối năm 2023, ông Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ công ty. Cổ phiếu FLC đang trong tình trạng bị đình chỉ giao dịch. Toàn bộ 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023 nhưng chưa được giao dịch trên Upcom.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa. Ảnh: CTV
Tuy nhiên, trả lời trước tòa sáng 25/7, bị cáo Quyết cho rằng, giá trị hơn 30% cổ phần tại FLC rất lớn vì FLC đang sở hữu nhiều tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, với 5.000-6.000 phòng khách sạn 5 sao. Hiện, số cổ phần này "đóng băng".
Trước đó, ông Quyết cho biết đã bán hãng hàng không Bamboo Airways với giá 700 tỷ đồng. Người mua đã trả khoảng 200 tỷ đồng, còn 500 tỷ đồng chưa thanh toán.
Trong vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản bất động sản của ông Quyết, gồm: 2 nhà đất (799,6m2 và 199,9m2) tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199,9m2 nhà đất ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Ngoài hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, trước đó, ông Quyết còn hơn 218 triệu cổ phần tại Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes… Còn với ROS, tới giữa năm 2020, ông Quyết còn nắm giữ hơn 23,7 triệu cổ phần. Cổ phiếu này trước khi rời sàn có giá rất thấp 2.510 đồng/cp.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu
VCCI vừa có báo cáo chuyên đề về tình hình phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay.
Nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu. Kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng tích cực kích thích doanh nghiệp phát triển, ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng trưởng dương trở lại sau năm 2023 sụt giảm. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm.
Chỉ số PMI của ngành sản xuất được cải thiện. Hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng thuận lợi hơn, nhất là trong quý II và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tích cực này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo VCCI, tình hình phát triển doanh nghiệp cũng xuất hiện nhiều vấn đề. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục tăng nhanh hơn lượng gia nhập. Thậm chí, ở một số vùng, ngành kinh tế, số gia nhập còn ít hơn rút khỏi.
Dù ghi nhận mức tăng khiêm tốn so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2024, nhưng số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đã quay lại mức tăng trưởng dương 3,86%, với 39.130 doanh nghiệp.
Từ 1/8, nhân viên môi giới nhà đất phải có chứng chỉ
Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực chính thức từ 1/8/2024. Luật này có nhiều điểm mới theo hướng siết chặt hoạt động môi giới BĐS.
Cụ thể, Điều 61 Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 quy định: cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.
Từ 1/8, môi giới bất động sản không được hành nghề tự do. Ảnh: Hồng Khanh
Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân không được hành nghề môi giới BĐS tự do như hiện nay (khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 cho phép cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập).
Cùng với đó, Điều 61 Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 cũng quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS được hưởng tiền thù lao, hoa hồng từ sàn giao dịch BĐS hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.
Đối với việc cấp chứng chỉ môi giới, Bộ Xây dựng bắt đầu triển khai tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Phương thức tổ chức sẽ do Bộ Xây dựng giao hoặc ủy quyền trực tiếp cho một số đơn vị tổ chức kỳ thi, trong đó có Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Lợi nhuận tăng "sốc" 1.000%, doanh nghiệp phải giải trình
Công ty CP Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán: SRC) vừa có báo cáo giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM liên quan kết quả kinh doanh quý II/2024 đã tăng mạnh so cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính quý II/ 2024, kết quả lợi nhuận sau thuế của công ty này tăng 107 tỉ đồng, tương đương mức tăng 1.048% so với cùng kỳ năm 2023. Lý do là vì doanh thu bán hàng tăng 24,7 tỉ đồng, doanh thu tài chính tăng 969 triệu đồng trong khi chi phí tài chính giảm 347 triệu đồng. Đặc biệt, thu nhập khác tăng mạnh đến 304 tỉ đồng.
HĐQT Công ty CP Cao su Sao Vàng lý giải nguyên nhân chính của việc tăng lợi nhuận là bởi công ty chuyển nhượng quyền thuê lại đất và tài sản gắn liền với đất.
Cũng thuộc nhóm có lợi nhuận tăng đột biến so cùng kỳ, Công ty CP Hợp Tác Kinh Tế và Xuất Nhập Khẩu (Savimex, mã chứng khoán: SAV) cho biết doanh thu thuần quý II/2024 của doanh nghiệp đạt 253 tỉ đồng, tăng 18%. Giá vốn hàng bán tăng 20%. Lợi nhuận gộp tăng 9%. Lợi nhuận sau thuế đạt 32,6 tỉ đồng, tăng 887%.
Lợi nhuận của Savimex tăng đột biến được giải thích là do doanh thu xuất khẩu tăng 24% và giá trị cổ phiếu TCM mà công ty đang nắm giữ tăng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận