Nợ vay của đại gia địa ốc Nhà Khang Điền đang "phình to"
Để có vốn đầu tư các dự án, Nhà Khang Điền phải gánh khoản nợ lớn từ vay ngân hàng và trái phiếu. Ngân hàng OCB trở thành chủ nợ lớn nhất của đại gia địa ốc này.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH), doanh thu ghi nhận đạt 4.617 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về 1.154 tỷ đồng. Đây là con số tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây của Công ty. So với năm 2019, cả doanh thu và lợi nhuận của Khang Điền lần lượt tăng 62% và 26%.
Tính đến cuối năm 2020, tồn kho của Nhà Khang Điền ở con số 7.378 tỷ đồng, tăng thêm 4,8% so với ở thời điểm cuối năm 2019. Hàng tồn kho chiếm đến 53% tổng tài sản. Cụ thể, hàng tồn kho của Khang Điền chủ yếu ở các dự án đang triển khai sau: Khang Phúc - Khu Dân cư Tân Tạo (2.795 tỷ); Khang Phúc - Lovera Vista (940 tỷ); Khang Phúc - Khu dân cư Bình Hưng 11A (490 tỷ); Bình Trưng - Bình Trưng Đông (477 tỷ); Khang Phúc - An Dương Vương (443 tỷ); Thủy Sinh - Phú Hữu (430 tỷ); Safira (350 tỷ); Khang Phúc - Khu tái định cư Phong Phú 4 (229 tỷ); Verosa (171 tỷ) và hơn 1.000 tỷ ở các dự án khác.
Để có vốn đầu tư các dự án, Khang Điền tiếp tục tăng vay nợ các ngân hàng và phát hành trái phiếu. Tính đến ngày 31/12/2020, nợ phải trả của Khang Điền lên đến 5.778 tỷ đồng, tăng gần gần 4% so với cuối năm 2019. Nếu so với tổng cộng nguồn vốn thì nợ phải trả chiếm đến đến 41%.
Trong cơ cấu nợ phải trả, chủ yếu là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn 2.170 tỷ (đây là khoản tiền nhận tạm ứng theo tiến độ hợp đồng từ khách hàng mua hàng hóa bất động sản thuộc các dự án đang thi công) và khoản vay tài chính vay ngắn hạn và dài hạn 1.845 tỷ. Trong đó, nợ vay ngắn hạn 787 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019; nợ dài hạn 1.058 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2019.
Các khoản vay nợ tài chính của Khang Điền gồm 1.438 tỷ đồng là vay ngân hàng và 407 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.
Khang Điền vay Vietcombank 49 tỷ nhằm tài trợ vốn lưu động; vay OCB gồm 3 khoản với tổng giá trị 859 tỷ nhằm tài trợ dự án Lê Minh Xuân mở rộng, Ấp 2 Tân Tạo và dự án Verosa; vay Vietinbank 530 tỷ để tài trợ cho 2 dự án Lovera Vista và dự án tại phường Tân Tạo, Q. Bình Tân.
Đối với khoản phát hành trái phiếu, Khang Điền phát hành gần 407 tỷ đồng để tăng vốn lưu động.
Trong quý I/2021, Nhà Khang Điền đã vay thêm 350 tỷ đồng từ OCB - chi nhánh Quận 4 và 107 tỷ đồng từ Vietinbank để tài trợ phát triển dự án tại phường Tân Tạo, Q. Bình Tân và dự án Lovera Vista.
Như vậy, tính đến 31/3/2021, OCB là chủ nợ lớn nhất của Nhà Khang Điền với tổng giá trị vay 1.122 tỷ đồng.
Kết thúc quý I, nợ phải trả của Khang Điền giảm 589 tỷ đồng còn ở mức 5.187 tỷ, chủ yếu giảm người mua trả tiền trước ngắn hạn từ 2.170 tỷ xuống 1.721 tỷ. Tuy nhiên, vay nợ tăng, trong đó, vay ngắn hạn từ 797 tỷ tăng lên mức 855 tỷ và vay dài hạn từ 1.058 lên mức 1.360 tỷ. Tổng cộng hai khoản này lên đến 2.216 tỷ đồng, chiếm 43% tổng cộng số nợ.
Hôm 11/6, HĐQT Nhà Khang Điền vừa thông qua phương án phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định 12%/năm trên gốc trái phiếu trong từng kỳ.
Thời gian phát hành dự kiến diễn ra trong quý III/2021. Thời gian đáo hạn trùng với ngày phát hành sau 4 năm kể từ ngày phát hành đầu tiên.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải ngân dự kiến chậm nhất đến hết quý III, sau khi hoàn tất đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2021, Công ty đặt ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu 4.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.200 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm, Khang Điền ghi nhận doanh thu thuần tăng 19% so với quý cùng kỳ năm trước đạt 836 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường