Những nhân tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2025
Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới chất lượng cao.
Theo đó, với sự giao thoa của đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nâng cấp ngành nghề, thay đổi nhu cầu tiêu dùng, phát triển xanh… kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn mới. Truyền thông Trung Quốc mới đây đã có bài viết về những yếu tố sẽ trở thành động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2025.
Khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất quan trọng
Theo SCMP, đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ là một trong những động lực cốt lõi để kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bền vững. Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng tăng cường đầu tư đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, đặc biệt là đã tạo được sự đột phá trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, dữ liệu lớn, điện toán lượng tử… từng bước thay đổi diện mạo của các ngành nghề truyền thống và tạo nền tảng cho sự xuất hiện của các ngành nghề mới.
Năm 2025, với việc triển khai sâu hơn chiến lược phát triển dựa trên động lực sáng tạo, Trung Quốc ngày càng đạt nhiều thành quả sáng tạo khoa học công nghệ. Các số liệu cho thấy tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc tăng lên qua từng năm. Năm 2022, chi tiêu cho R&D của nước này chiếm 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt mức trung bình toàn cầu.
Trong năm 2025, Trung Quốc xác định mục tiêu hàng đầu là đẩy mạnh nâng cao tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư, mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước. Ảnh: AP |
Theo các mục tiêu được đề xuất trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, đến năm 2025 đầu tư cho R&D sẽ được tăng cao hơn nữa và vai trò của động lực sáng tạo sẽ nổi bật hơn. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh sự phát triển tích hợp giữa ngành công nghiệp chế tạo công nghệ cao và ngành dịch vụ hiện đại, thúc đẩy các quy trình như sản xuất thông minh và chuyển đổi số hóa. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của chuỗi công nghiệp mà còn mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô sử dụng năng lượng mới, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về sự đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Năm 2023, Trung Quốc tiêu thụ được gần 9 triệu chiếc xe ô tô sử dụng năng lượng mới, chiếm trên 50% tổng số xe tiêu thụ của thế giới. Năm 2025, với sự phát triển hơn nữa của mạng 5G và công nghệ mạng thông minh, các phương tiện sử dụng năng lượng mới có triển vọng sẽ được sử dụng phổ biến hơn, thúc đẩy chuyển đổi toàn diện ngành công nghiệp ô tô.
Bảo vệ môi trường và phát triển xanh
Khi vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng, phát triển xanh đã trở thành mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng của các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng xác định rõ ràng mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon và trung hòa carbon, phấn đấu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình xanh có tỷ lệ phát thải carbon thấp vào năm 2025. Đây không chỉ là do nhu cầu bảo vệ môi trường, mà còn là giải pháp quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo quy hoạch của Chính phủ Trung Quốc, đến năm 2025, tỷ trọng năng lượng phi hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng tăng cao hơn, giá trị sản lượng và quy mô ứng dụng của năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… tăng mạnh. Đồng thời, vấn đề sáng tạo và thúc đẩy công nghệ xanh cũng sẽ tạo động lực mới cho các ngành nghề khác nhau. Các ngành nghề xanh của Trung Quốc sẽ không chỉ góp phần quản trị khí hậu toàn cầu, mà còn trở thành điểm tăng trưởng kinh tế mới.
Theo số liệu do Báo cáo tăng trưởng xanh, phát triển carbon thấp của Trung Quốc công bố, giá trị sản lượng năng lượng sạch của Trung Quốc năm 2022 đã vượt 1.000 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 20% tổng giá trị sản lượng năng lượng. Dự kiến đến năm 2025, tổng giá trị sản lượng của các ngành sản xuất xanh sẽ tiếp tục tăng cao và công nghệ xanh sẽ được ứng dụng phổ biến ở nhiều lĩnh vực hơn.
Ngoài ra, sự tăng trưởng của nền kinh tế xanh không chỉ giới hạn ở lĩnh vực năng lượng, mà còn bao gồm nhiều ngành nghề như bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, kiến trúc xanh, giao thông phát thải carbon thấp...
Kích cầu tiêu dùng trong nước
Năm 2025, tiêu dùng cá nhân sẽ thay thế đầu tư trở thành nguồn đóng góp lớn nhất cho GDP. Trong những năm gần đây, vai trò của tiêu dùng trong nền kinh tế Trung Quốc không ngừng gia tăng và nhu cầu trong nước trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Với sự gia tăng mức thu nhập và sự thay đổi quan niệm tiêu dùng, thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã dần chuyển từ hàng hóa chất lượng thấp sang hàng hóa và dịch vụ cao cấp, cơ cấu tiêu dùng không ngừng được tối ưu hóa và nâng cấp. Đến năm 2025, thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ phát triển và trở thành một trong những thị trường lớn và năng động nhất thế giới.
Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc năm 2023 vượt 45.000 tỷ Nhân dân tệ, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến đến năm 2025, tiêu dùng sẽ chiếm hơn 60% GDP và nhu cầu trong nước tiếp tục mở rộng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài tiêu dùng hàng hóa, sự phát triển của ngành dịch vụ cũng sẽ trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế Trung Quốc. Đến năm 2025, tỷ trọng của ngành dịch vụ trong GDP có triển vọng tiếp tục tăng. Đặc biệt, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như y tế, giáo dục, du lịch, tài chính… sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Phát triển kinh tế nông thôn, hội nhập thành thị-nông thôn
Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn, có sự chênh lệch lớn về phát triển kinh tế giữa các khu vực. Thực hiện hội nhập thành thị-nông thôn và điều phối phát triển khu vực đã trở thành chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Trung Quốc. Cùng với sự tác động của quá trình đô thị hóa mới, nhiều người dân nông thôn di cư đến thành thị, hình thành nhóm tiêu dùng và thị trường lao động rộng lớn hơn. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt ngành công nghiệp như xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản và dịch vụ công... Đồng thời, với sự dẫn dắt của các chính sách, một số đô thị loại 2, loại 3 cũng sẽ đón nhận những cơ hội phát triển mới.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ đô thị hóa của nước này đạt gần 65% vào năm 2023. Đến năm 2025, tỷ lệ này dự kiến sẽ vượt 70%, dân số đô thị tiếp tục tăng, tiềm năng tiêu dùng và đầu tư đô thị sẽ tiếp tục được giải phóng.
Về điều phối phát triển giữa các khu vực, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược hội nhập khu vực, nỗ lực thúc đẩy điều phối phát triển khu vực đồng bằng sông Dương Tử, đồng bằng sông Châu Giang, khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc…, đồng thời tăng cường kết nối với khu vực miền Trung và miền Tây, thúc đẩy luân chuyển hợp lý tài nguyên, khoa học công nghệ, nhân lực… Mô hình phát triển điều phối giữa các khu vực này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng cân bằng của kinh tế Trung Quốc.
Thanh Bình
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường