Những doanh nhân tuổi Thìn giàu cỡ nào?
Bước sang năm 2024, nhiều doanh nhân tuổi Thìn (tuổi con Rồng) sở hữu khối tài sản ngàn tỉ đồng.
Chủ tịch LPBank
Ông Nguyễn Đức Thụy - hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - mã chứng khoán: LPB ) sinh năm 1976 (Bính Thìn), đang nắm giữ hơn 61,6 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,4% vốn điều lệ tại ngân hàng.
Hiện cổ phiếu LPB có giá 18.150 đồng/cổ phiếu, theo đó số cổ phiếu trên ước tính trị giá hơn 1.100 tỉ đồng. Tính từ thời điểm đầu quý IV/2023 trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng 31%.
Ông Nguyễn Đức Thụy đảm nhận chức vụ Chủ tịch LPBank vào thời điểm cuối năm 2022. Theo báo cáo tài chính mới nhất, LPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 ở mức 5.572 tỉ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của LPBank đạt 382.863 tỉ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2022.
Trước khi bước chân sang lĩnh vực ngân hàng, doanh nhân này khá nổi tiếng trong lĩnh vực bóng đá và gắn liền với tên tuổi Tập đoàn Xuân Thành ở Ninh Bình (sau đổi tên thành Thaigroup).
Chủ tịch REE
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE), sinh năm 1952 (tuổi Nhâm Thìn), đang nắm hơn 49,8 triệu cổ phiếu REE, tương đương hơn 2.800 tỉ đồng khi cổ phiếu này đang có giá 56.500 đồng/cổ phiếu.
REE được thành lập năm 1977 với tiền thân là Xí nghiệp Quốc doanh Cơ Điện Lạnh. Lĩnh vực mà doanh nghiệp này đang hoạt động là quản lý kinh doanh bất động sản cho thuê với quy mô hơn 130.000 m3 diện tích văn phòng cho thuê.
Ngoài ra, công ty đang sở hữu tổng công suất điện là 696 MW và công suất cấp nước 446.200m3/ngày.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Nguồn: Cafeland
Nhìn lại kết quả năm 2022, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của REE đạt 2.690 tỉ đồng, tăng 45%. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của REE kể từ khi công bố báo cáo tài chính (năm 2000).
Trong bối cảnh kinh tế liên tục gặp khó khăn đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, lợi nhuận sau thuế của REE giảm gần 21% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2.786 tỉ đồng.
Tổng tài sản của REE tính đến hết ngày 31-12-2023 là 34.910 tỉ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 3.436 tỉ đồng.
Chủ tịch KBC
Ông Đặng Thành Tâm, sinh năm 1964 (giáp Thìn) đang là Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) từ năm 2007 đến nay. Ngoài ra, ông Tâm còn đang là Chủ tịch của Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (mã chứng khoán: SGT).
Ông Tâm học chuyên ngành Kỹ sư Hàng hải, từng tu nghiệp tại Anh Quốc và có thời gian công tác tại Công ty Vận tải biển Sài Gòn. Ông được xếp hạng là người giàu nhất Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu.
Ông Đặng Thành Tâm
Hiện nay, với việc nắm hơn 138 triệu cổ phiếu KBC (hiện có giá 31.200 đồng/cổ phiếu), hơn 35 triệu cổ phiếu SGT (12.300 đồng/cổ phiếu) và hơn 29 triệu cổ phiếu ITA (6.310 đồng/cổ phiếu), tương đương ông Tâm sở hữu hơn 4.900 tỉ đồng.
Về kết quả kinh doanh KBC, năm 2023 doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 2.218 tỉ đồng, tăng 41% so với năm 2022. Qua đó, hoàn thành 55% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023. Đáng chú ý, đây vẫn là mức lợi nhuận cao nhất của KBC kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2007 đến nay.
Chủ tịch VCS
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Vicostone (mã chứng khoán: VCS), sinh năm 1964 (tuổi giáp Thìn) đang sở hữu hơn 5,98 triệu cổ phiếu VCS và đại diện cho Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A sở hữu hơn 122 triệu cổ phiếu VCS, tương đương hơn 8.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ông Năng còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị và Công ty CP Style Stone. Về kết quả kinh doanh, doanh thu quý IV/2023 của VCS chỉ bằng 94% so với cùng kì nhưng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 14% so với cùng kì năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Vicostone đạt 999 tỉ đồng.
Ông Năng là sinh viên ngành kỹ thuật, tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh tại Đại học Bách Khoa. Ông có thời gian dài làm nghiên cứu sinh tại Đại học Bách Khoa Hà Nội rồi trở thành cán bộ nghiên cứu tại Viện cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản trong 4 năm từ 1992 đến 1996.
Ông Hồ Xuân Năng. Nguồn: Vietworld
Ngoài ra, ông Năng còn giữ cương vị Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô Ford tại Hải Dương. Năm 1999, trước khi về làm thư ký Chủ tịch HĐQT và thăng tiến, kiêm luôn Phó chánh văn phòng kiêm thư ký Chủ tịch từ năm 2001.
Đến năm 2004, ông Năng được lãnh đạo tập đoàn thăng chức lên vị trí Giám đốc Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone) – một công ty thành viên của Vinaconex. Tháng 6-2014, ông Hồ Xuân Năng chính thức nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT và kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vicostone trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, ông còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Tập đoàn PHENIKAA) (tới 27-2-2023), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vicostone, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học PHENIKAA...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận