Những cổ phiếu "trà đá" nhưng mua khó hơn "lên trời"
Đứng ngoài những biến động của thị trường, có những cổ phiếu thị giá rất thấp, không có giao dịch mua bán, nhưng luôn được trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ cao.
Những cổ phiếu giá thấp, cổ tức khủng
Nhắc đến những cổ phiếu giá rẻ có thị giá 1.000 - 2.000 đồng, nhà đầu tư thường nghĩ ngay đến danh sách cổ phiếu nằm trong diện hạn chế giao dịch hoặc có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Tuy nhiên, cũng có những cổ phiếu “giá bèo” mà nhà đầu tư miệt mài đặt mua trong vô vọng. Lý do bởi, cho dù thị giá rất thấp, nhưng các doanh nghiệp này làm ăn có lãi, duy trì mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều qua các năm, với số tiền gấp nhiều lần thị giá cổ phiếu.
Điển hình trong nhóm cổ phiếu này phải kể đến mã PTG của Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết. Cổ phiếu này trong những năm qua luôn duy trì ở mức thị giá thấp và gần như không có giao dịch. Tháng 6/2021, công ty này đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng.
Trước đó, năm 2017, May Phan Thiết trả cổ tức lên tới 120% bằng tiền, năm 2018 chi trả ở mức 20%, năm 2019 là 100% và mới đây nhất (năm 2020) chi trả với tỷ lệ 20% bằng tiền.
Sau khi thực hiện điều chỉnh giá do chia cổ tức năm 2020, cổ phiếu PTG đã điều chỉnh giảm từ mức 2.100 đồng/cổ phiếu xuống còn 100 đồng/cổ phiếu và mức giá này đã được giữ nguyên kể từ giữa tháng 11/2020 đến nay.
Do không phát sinh giao dịch mua bán nhiều năm qua, cùng với việc bị điều chỉnh kỹ thuật từ các kỳ trả cổ tức khiến thị giá cổ phiếu PTG thấp như hiện nay.
Một cổ phiếu khác cũng trong tình trạng tương tự là MEF của Công ty cổ phần MEINFA. Không có giao dịch và duy trì thị giá ở mức 1.600 đồng/cổ phần, nhưng cuối tháng 5/2021, MEINFA đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%. Từ năm 2012 đến nay, Công ty MEINFA duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt hằng năm ở mức 30 - 50%.
Trong quá khứ, cả May Phan Thiết lẫn MEINFA đều từng nhiều lần được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội áp dụng quy chế riêng khi trả cổ tức cao hơn thị giá.
Một cổ phiếu nữa cũng được nhà đầu tư đặt lệnh từ năm này qua năm khác, nhưng không mua nổi là CPH của Công ty cổ phần Mai táng Hải Phòng. Tháng 6/2021, Mai táng Hải Phòng đã thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 16,4% (1 cổ phần được nhận 1.640 đồng), khiến thị giá cổ phiếu này được điều chỉnh từ 3.500 đồng về 1.900 đồng.
Dấu hỏi về nhu cầu lên sàn
Kể từ khi đăng ký giao dịch trên sàn UpCoM năm 2017, Mai táng Hải Phòng luôn duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ khoảng 16%/năm. Do không có giao dịch, nên mức giá hiện tại của cổ phiếu CPH cũng là do sự điều chỉnh kỹ thuật sau các kỳ trả cổ tức.
Để có thể duy trì chính sách cổ tức đều đặn, các doanh nghiệp nêu trên đều phải hoạt động kinh doanh rất tốt.
Đối với May Phan Thiết, kết thúc năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu xấp xỉ 397 tỷ đồng, giảm 5,25% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế hơn 43 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm trước.
Năm 2021, May Xuất khẩu Phan Thiết đã thông qua kế hoạch kinh doanh tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên với chỉ tiêu doanh thu dự kiến đạt 434,19 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 37,35 tỷ đồng.
Đối với MEINFA, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 311 tỷ đồng năm 2020, lãi sau thuế 27,3 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2019, MEINFA duy trì mức doanh thu trên 300 tỷ đồng mỗi năm, lãi sau thuế 29 - 31 tỷ đồng/năm.
Năm 2021, MEINFA đặt mục tiêu doanh thu 522,3 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lãi sau thuế vẫn chỉ ở mức 27,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, do kinh doanh lĩnh vực khá đặc thù, Mai táng Hải Phòng ghi nhận doanh thu trên 100 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận sau thuế quanh ngưỡng 9 tỷ đồng. Công ty cũng đặt mục tiêu năm 2021 tương đương với mức này.
Ngoài việc có cổ phiếu thị giá thấp, chia cổ tức đều đặn, tình hình kinh doanh ổn định trong những năm qua, điểm chung đáng chú ý nhất của các doanh nghiệp kể trên là đều có xuất phát điểm từ các xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước được thực hiện cổ phần hóa.
Ngoại trừ Mai táng Hải Phòng vẫn đang được UBND TP. Hải Phòng nắm giữ tới 64,5% vốn, thì 2 doanh nghiệp còn lại đang nằm trong tay các cổ đông lớn là cá nhân.
Việc các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa thực hiện đăng ký hoặc niêm yết lên sàn được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn dưới sự giám sát của công chúng đầu tư. Đặc biệt, điều này cũng sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, từ đó tạo cơ hội huy động vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, với trường hợp các doanh nghiệp nói trên, dường như việc lên sàn chỉ mang tính chất hình thức, doanh nghiệp không quan tâm tới thị giá cổ phiếu cũng như huy động vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận