menu
Những câu chuyện “độc lạ” trên sàn chứng Việt
Mai Đặng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những câu chuyện “độc lạ” trên sàn chứng Việt

Năm Quý Mão dần khép lại với nhiều cảm xúc thăng hoa lẫn buồn tủi cho nhà đầu tư và đâu đó vẫn còn những câu chuyện độc lạ dở khóc dở cười trên sàn chứng khoán: Từ câu chuyện “giới tinh hoa” cho đến việc năn nỉ cổ đông dự đại hội hay chuỗi phiên trắng thanh khoản của kỳ lân công nghệ VNZ.

“Giới tinh hoa” của sàn chứng

Khởi đầu cho năm Quý Mão 2023, Hapaco (HOSE: HAP) gây bất ngờ khi lập ra tiêu chí gia nhập “giới tinh hoa”.

Để gia nhập vào “giới tinh hoa”, nhà đầu tư cần phải có 4 triệu cp HAP, cùng với đó là phải có sẵn 1 - 3 tỷ đồng (tùy thuộc vào việc bạn là cổ đông bên ngoài hay người nội bộ) để cho công ty vay tối đa 3 tháng với lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của Sacombank (tại thời điểm đó là 5.9%).

Theo ước tính, nhà đầu tư cần tối thiểu khoảng 21 tỷ đồng để tham gia vào “giới tinh hoa”. Đổi lại, những người “tinh hoa” được nhận cổ tức cao hơn so với cổ đông thường và được phụ cấp hàng tháng 5 triệu đồng.

Thông tin trên gây xôn xao sàn chứng khoán, nhưng cũng nhận nhiều ánh mắt hoài nghi từ giới quan sát. Nhiều người cho rằng, đây chỉ là chiêu trò để huy động vốn giá rẻ và thúc đẩy giá cổ phiếu HAP, trong khi các lợi ích từ việc gia nhập cũng không hấp dẫn bằng gửi tiền tiết kiệm. Một luật sư còn đặt nghi vấn Hapaco phân biệt đối xử với cổ đông, vì theo quy định, việc chia cổ tức phải mang tính công bằng giữa các cổ đông.

Trên thực tế, ý tưởng trên đã không được triển khai và bị hủy bỏ chỉ 2 tuần sau đó.

Những câu chuyện “độc lạ” trên sàn chứng Việt

Vài tháng rực sáng rồi chợt tắt của ông vua thị giá

Cũng khiến giới đầu tư “há hốc mồm” là hành trình kỳ diệu của XDC: Từ một ông vua thị giá cho tới bị hủy giao dịch, tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài tháng.

Vào tháng 5/2023, XDC nổi lên như một hiện tượng với hàng chục phiên tím liên tiếp. Với biên độ cao của sàn UPCoM, thị giá cổ phiếu này cũng nhanh chóng vút lên cung trăng. Ở thời đỉnh điểm, cổ phiếu này đã tăng thẳng đứng lên 999,900 đồng/cp, tức tăng 64 lần chỉ trong 2 tháng.

Tại thời điểm đó, XDC cũng vượt VNZ trở thành cổ phiếu có thị giá đắt nhất sàn chứng khoán. Vết gợn duy nhất trong chuỗi tăng trần này là lượng cổ phiếu giao dịch mỗi phiên chỉ vài trăm, một phần do lượng cổ phiếu lưu hành chỉ có 8,200 cp.

Những câu chuyện “độc lạ” trên sàn chứng Việt

Ở XDC cũng có một điều lạ lẫm khác. Dù đã lên sàn UPCoM từ ngày 01/12/2022, nhưng phải đến tháng 6/2023, XDC mới chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV thành Công ty cổ phần.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, không lâu sau đó, cổ phiếu quay đầu giảm còn nhanh hơn lúc tăng. XDC còn gây choáng khi giảm tới 400,000 đồng mỗi cổ phiếu (tương đương 40%) trong 1 phiên - cũng là một kỷ lục trên sàn chứng khoán.

Đến ngày 12/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) bất ngờ thông báo hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu XDC từ ngày 28/12. Lý do hủy đăng ký giao dịch vì Xây dựng Công trình Tân Cảng là doanh nghiệp cổ phần hóa sau 1 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng theo quy định.

Trong phiên giao dịch cuối cùng trên sàn UPCoM (28/12), cổ phiếu XDC giảm sàn về mức 65,000 đồng/cp, giảm hơn 93% so với đỉnh.

Kỳ lân VNZ: 14 phiên trắng thanh khoản rồi liên tục tím trần

Một trường hợp độc lạ khác thuộc về kỳ lân công nghệ VNZ.

Ngày 05/01/2023, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG chính thức giao dịch trên UPCoM, với giá tham chiếu 240,000 đồng/cp. Nhưng khác với sự sôi động thường thấy ở những cổ phiếu mới lên sàn, cổ phiếu của chủ sở hữu Zalo và VNG “trắng thanh khoản” nhiều phiên liên tiếp - điều thật kỳ lạ với một doanh nghiệp tên tuổi lớn và được mệnh danh là kỳ lân Việt Nam.

Trên thực tế, cầu mua là có, thậm chí lên tới hàng chục, rồi cả trăm ngàn đơn vị ở giá trần, nhưng thanh khoản vẫn “trắng tinh khôi” vì chẳng ai muốn bán. Tình trạng này diễn ra trong 14 phiên cho đến khi xuất hiện giao dịch đầu tiên.

Và khi bắt đầu có giao dịch, cổ phiếu VNZ lại tăng trần liên tục 11 phiên liên tiếp, lên mức giá 1,358,700 đồng/cp - cao nhất trên sàn chứng khoán.

Những câu chuyện “độc lạ” trên sàn chứng Việt

CII năn nỉ cổ đông đi đại hội

Ở một trường hợp khác, CII phải “năn nỉ” cổ đông đi dự họp đại hội đồng cổ đông vì không đủ tỷ lệ tổ chức.

Thông thường, đại hội đồng cổ đông được xem là dịp để cổ đông bên ngoài được giải đáp các thắc mắc của bản thân và hiểu rõ hơn về doanh nghiệp mình “chọn mặt gửi vàng”.

Tuy vậy, với phần lớn đều là nhà đầu tư cá nhân, thứ quan trọng đối với họ là sắc xanh đỏ trên bảng điện, còn những gì diễn ra ở ĐHĐCĐ chỉ là thứ yếu. Điều này dẫn tới một số công ty không đủ tỷ lệ phải tổ chức ĐHĐCĐ và phải tổ chức đến lần thứ 2, 3.

Ở trường hợp CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII), công ty phải tặng quà để “năn nỉ” cổ đông đi dự cuộc họp cổ đông thường niên.

Những câu chuyện “độc lạ” trên sàn chứng Việt

Trước phiên họp, ban lãnh đạo CII thông báo có những phần quà tri ân cho các cổ đông tham dự hoặc ủy quyền, tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu mà sẽ nhận quà bằng tiền tương ứng.

Dù khuyến khích như thế, CII vẫn tổ chức đại hội không thành công trong lần đầu, chỉ 46% tổng số cổ phần được quyền biểu quyết tham dự - thấp hơn quy định và không đủ tỷ lệ tối thiểu để tổ chức đại hội. Do đó, phải tổ chức lần 2.

Cũng trong năm này, CII lại tiếp tục dùng “chiêu cũ” khi tổ chức cuộc họp bất thường vào tháng 9/2023, nhưng vẫn không thể tổ chức thành công ở lần đầu.

Bán nhầm cổ phiếu ngay đỉnh vì... mắt kém

Hay ở một trường hợp khôi hài khác, một cổ đông nội bộ bán ngay đỉnh nhờ… mắt kém.

Ngày 09/10/2023, Bà Trần Thị Thơm, Kiểm soát viên của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH), đã bán khớp lệnh 5,000 cp HAH, qua đó giảm số lượng sở hữu từ 26,000 cp (tương ứng 0.03% vốn) xuống còn 21,000 cp (tương ứng 0.02% vốn). Vào thời điểm đó, cổ phiếu HAH cũng bắt đầu đạt đỉnh.

Với vị trí Kiểm soát viên, tức là người nội bộ nhưng bà Thơm lại không công bố thông tin theo quy định về giao dịch bán cổ phiếu này. Do đó, đến ngày 28/11, hơn 1 tháng kể từ ngày hoàn tất giao dịch, bà Thơm đã phải gửi báo cáo giải trình. Lý do được nêu ra là do mắt kém, muốn bán cổ phiếu khác nhưng lại đặt nhầm lệnh bán HAH. Bà cũng cho biết đây là lần đầu mắc phải sai sót này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
50.10 +0.80 (+1.62%)
4.39 +0.02 (+0.46%)
363.00 -7.40 (-2.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả