Nhựa Pha Lê (PLP) vận hành nhà máy sản xuất phào, nẹp SPC
Công ty cổ phần Công nghệ nhựa Pha Lê (PLP - sàn HOSE) cho biết, từ tháng 10/2021, nhà máy sản xuất phào, nẹp, sản phẩm phụ trợ của ván sàn SPC của Công ty sẽ chính thức vận hành.
Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 2 cho sản phẩm mới Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phụ gia ngành nhựa đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp cho PLP vào ngày 18/6/2021.
Phào, nẹp SPC là những phụ kiện không thể thiếu khi thi công và hoàn thiện nội thất, đặc biệt là với sàn SPC. Đây là phụ kiện có chức năng che đi các khoảng trống giãn nở cho sàn khi hoàn thiện, đồng thời được sử dụng để trang trí giúp tăng tính thẩm mỹ cho nền lát sàn gỗ.
Sản phẩm có các ưu điểm vượt trội so với phào, nẹp gỗ như chống mối mọt, cong vênh, chống nước, chịu nhiệt, chống cháy hoàn toàn, khả năng giữ màu tốt và chống biến dạng, va đập mạnh, có độ bền rất cao, không chịu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết…
Ở dự án này, PLP sử dụng công nghệ sản xuất phào nẹp chuẩn Mỹ, nhằm đảm bảo chất lượng, bảo vệ môi trường, không có formaldehyde hay bất kỳ kim loại nặng nào ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng.
Không dừng lại ở 2 dây chuyền cung cấp sản lượng gần 3 triệu m dài/năm, PLP đang trong quá trình đàm phán đặt thêm 6 dây chuyền, dự kiến có thể vận hành vào đầu năm 2022 với công suất tổng thể lên tới 10 triệu m dài/năm. Đây sẽ là nhà máy lớn nhất Việt nam và nằm trong top những đơn vị sản xuất phụ kiện cho sàn lớn nhất thế giới.
Dự kiến, doanh thu của nhóm sản phẩm phụ kiện phào nẹp sàn SPC của PLP lên đến 300 tỷ đồng/năm.
Ngoài nhà máy sản xuất phụ kiện trên, từ tháng 10 này, nhà máy SPC Hải Phòng với tên gọi NEO Floor cũng bắt đầu chạy.
Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng, với 14 dây chuyền công suất lớn, hệ sản phẩm cao cấp hơn nhà máy SPC Đồng Nai, tổng sản lượng theo thiết kế là 15 triệu m2/năm. Cùng với nhà máy Đồng Nai đưa vào hoạt động từ năm 2020, Nhựa Pha Lê và các đối tác sẽ nâng công suất ván sàn SPC lên 26 triệu m2 sàn/năm.
Trên thế giới, ván sàn công nghệ SPC rất phát triển trong ngành công nghiệp lát sàn nói chung và đang dẫn dắt thị trường từ 2019. SPC tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị doanh thu và chiếm thị phần từ hầu hết các sản phẩm cạnh tranh khác.
Năm 2020, thị trường vật liệu sàn của Mỹ đạt 30 tỷ USD, trong đó thị trường SPC đạt 5 tỷ USD, chiếm 17% thị phần, tăng trưởng 30% so với 2018.
Ở châu Á, Hàn Quốc đang là một thị trường tiềm năng với nhu cầu ước 33 triệu m2/năm, tổng doanh thu 536 triệu USD. Tại đây, các loại vật liệu truyền thống như sàn gỗ công nghiệp dần đánh mất vị thế, nhường chỗ cho các loại vật liệu cao cấp mới như sàn SPC. Cho đến nay, sàn SPC do nhà máy Đồng Nai sản xuất đã xuất khẩu tới 70% tỷ trọng sản phẩm sang Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường