Nhịp đập Thị trường 29/11: Ngân hàng kéo chỉ số về sát tham chiếu
Thị trường đi xuống đều trong nửa cuối phiên sáng khi nhóm Large Cap, đặc biệt cổ phiếu ngân hàng đa số đều giảm điểm.
VN-Index gần như mất hết toàn bộ mức tăng đầu phiên khi tạm lùi về sát mốc tham chiếu, chỉ còn nhích nhẹ 0.01%. Chỉ số HNX-Index thì chính thức lùi về sắc đỏ, trong khi UPCoM-Index mất 0.47%. Các nhóm vốn hóa đều quay đầu giảm, mạnh nhất là Large Cap và Mid Cap.
Ở nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính với 15 mã giảm và chỉ 5 mã tăng. EIB và NVB là 2 mã có mức tăng tốt nhất, trên 5%. Ở chiều ngược lại, STB, VPB, VIB, CTG, BID là những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số chính sàn HOSE.
Ngoài ra, GVR (-3.19%), FPT (-1.21%) và VNM (-0.86%) cũng góp phần kéo thị trường đi xuống.
NVL và PDR vẫn là 2 cổ phiếu ngành bất động sản duy trì mức tăng trần, đa số còn lại đều thu hép đà giảm. Riêng HPX vẫn chưa thấy dấu hiệu nào sẽ được “giải cứu” khi dư bán sàn vẫn hơn 75 triệu cp.
Kết phiên sáng, toàn thị trường có gần 11,800 tỷ đồng được chuyển giao, riêng sàn HOSE hơn 10,400 tỷ đồng, trong đó PDR, HPG, DIG và VND là những mã có thanh khoản cao nhất. Khối ngoại sáng nay tiếp tjc mua ròng mạnh, hơn 1,300 tỷ đồng.
10h30: Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng trần
VN-Index đã tăng 9.66 điểm, bộ ba ngân hàng, chứng khoán, bất động sản cùng tăng. Đến 10h30, 7,000 tỷ đã rót vào sàn HOSE, thị trường đang có dấu hiệu đồng thuận tăng dựa trên sự hưng phấn do bất động sản được giải cứu. Giải cứu thực tế thì còn có thời gian và chờ Chính phủ, nhưng giá cổ phiếu bất động sản có thể được bắt đáy trước.
11 cổ phiếu bất động sản đang trần, trong đó rất nhiều tên tuổi lớn, DXG, ITA, NVL, PDR, QCG… Một số cổ phiếu bất động sản đã cho mức lợi nhuận 30-40% trong đợt hồi phục này tính từ đáy. Và thực tế ngành bất động sản vẫn còn nguyên những khó khăn. Trong đó nhu cầu thực tế sụt giảm trên nền một thị trường bất động sản với giá không hề rẻ chính là căn nguyên.
Ngành vật liệu xây dựng tiếp tục nối dài ngày vui, HPG tăng mạnh 3.36%, HSG tăng 2.37%, POM tăng 4.26%, BCC và PDB trần. Ngành vật liệu xây dựng đang gặp vấn đề cả doanh số và lợi nhuận biên. Doanh số sụt giảm do nhu cầu cộng với lợi nhuận biên giảm vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán, cổ phiếu có giá của nó trong mọi trường hợp, khi mức giá cơ bản bị phá vỡ sẽ xuất hiện lực cầu dài hạn hoặc ngắn hạn bắt đáy.
TTCK Việt Nam giảm mạnh hàng đầu thế giới trong năm 2022. Điều này có vẻ không tương xứng với những kết quả vĩ mô và định giá trung bình. Thị trường chỉ thiếu tiền để hồi phục hoặc ít nhất đi ngang chờ mọi thứ rõ ràng hơn. Dấu hiệu cho thấy tiền bắt đầu kích hoạt.
Mở cửa: Nối tiếp đà tăng
Đêm qua thị trường chứng khoán Mỹ có một phiên giảm mạnh. Dow Jones giảm 1.45%, còn 33,849 điểm, S&P 500 giảm 1.54% còn 3,963 điểm, Nasdaq giảm 1.58% còn 11,049 điểm.
9h20, thị trường chứng khoán châu Á Nikkei 225 giảm 0.54%, Taiwan Weighted tăng 0.18%, KOSPI tăng 0.37%, S&P/ASX200 giảm 0.08%, IDX Composite tăng 0.25%, ShangHai tăng 1.35%, Hang Seng tăng 3.17%.
Tuy nhiên chứng khoán Việt Nam đã có 2 phiên ngược dòng thế giới vào thứ 6 và thứ 2, hai ngày tăng mạnh trong khi các thị trường trọng điểm không có nhiều đột biến.
Chỉ số phái sinh VN30F2212 mở phiên ATO giảm 1.4 điểm, từ 993.7 điểm xuống 992.3 điểm. Vào lúc 9h26 VN30F2212 dừng ở mức 1001.3 điểm.
VN-Index đang tăng 6.69 điểm (0.679%) lên 1,012.38 điểm. VN30 tăng 8.22 điểm (0.82%) lên 1,012.56 điểm. HNX-Index tăng 2.2 điểm (1.08%) lên 206.26 điểm, UPCoM tăng 0.4 điểm (0.57%) lên 70.43 điểm. Trên sàn HOSE tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá là 257 (22 cổ phiếu trần)/80 (2 cổ phiếu sàn).
Rổ VN30 có 18 cổ phiếu tăng giá, 10 cổ phiếu giảm giá. NVL, PDR hôm nay đã trần trong đó PDR đã từ sàn lên trần khớp tới 93 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu tăng mạnh thứ ba cũng là một cổ phiếu bất động sản KDH (4.6%). Cổ phiếu này gần đây thường xuyên được mua ròng khá mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận