menu
Nhìn lại diễn biến cổ phiếu của Vietnam Airlines
copy link
Đỗ Duy Thái
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhìn lại diễn biến cổ phiếu của Vietnam Airlines

Bất chấp việc cổ phiếu đang bị hạn chế giao dịch trên sàn chứng khoán, HVN của Vietnam Airlines vẫn ghi nhận nhiều phiên tăng trần và có thời điểm lên đỉnh 5 năm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tăng trần và kết phiên đạt mức 22.050 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức đỉnh 5 năm là 36.350 đồng/CP thiết lập hồi đầu tháng 7, cổ phiếu này đã giảm gần 40%.

Trước đó, mã chứng khoán đại diện cho hãng hàng không quốc gia đã duy trì xu hướng đi ngang quanh ngưỡng 12.000-13.500 đồng/CP suốt thời gian dài. Từ cuối tháng 4/2024, cổ phiếu này bắt đầu ghi nhận diễn biến đáng chú ý khi quý I kết thúc.

Cụ thể, thị giá của HVN đã có giai đoạn tăng nóng từ mức 13.500 đồng hồi cuối tháng 4/2024 lên mức đỉnh 5 năm 36.350 đồng/CP vào đầu tháng 7/2024, tương ứng mức tăng 170% chỉ sau 3 tháng, thanh khoản có phiên vượt 13 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, cổ phiếu của Vietnam Airlines diễn biến sôi động trong bối cảnh mã này đang bị hạn chế giao dịch trên sàn chứng khoán và chỉ được giao dịch vào phiên chiều.

Động lực đáng chú ý nhất hỗ trợ giá cổ phiếu hàng không này chính là những kỳ vọng về kết quả kinh doanh khởi sắc sau quãng thời gian dài làm ăn thua lỗ vì đại dịch, kinh tế khó khăn. Đồng thời được hỗ trợ bởi một loạt thông tin tích cực như chính sách tăng trần vé máy bay nội địa hay việc Ngân hàng Nhà nước gia hạn khoản vay 4.000 tỷ đồng để hãng khắc phục khó khăn.

"Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines gần đây tăng giá rất lớn trên sàn giao dịch chứng khoán. Cổ phiếu dựa trên báo cáo tài chính của hãng và hoạt động trên thị trường dựa trên sự đánh giá của cổ đông hay nhà đầu tư quan tâm nên rất công khai, minh bạch”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa từng chia sẻ.

Nhìn lại diễn biến cổ phiếu của Vietnam Airlines

Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines

BCTC hợp nhất quý II/2024 mới công bố đã cho thấy một số điểm sáng của Vietnam Airlines với doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức hơn 24.850 tỷ đồng, đương đương gần 1 tỷ USD. Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 5% lên 11%.

Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp này lãi hợp nhất sau thuế 1.034 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1.300 tỷ. Lũy kế nửa đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 53.100 tỷ, tăng xấp xỉ 20% so với năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế ở mức trên 5.400 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Vietnam Airlines lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 4.524 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với khoản lỗ 5.361 tỷ đồng của thực hiện năm 2023 và cao hơn nhiều khoản lãi 2.537 tỷ đồng của năm 2019 (trước dịch COVID-19).

Tuy nhiên, điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh tài chính quý II của Vietnam Airlines đến từ khoản lợi nhuận khác. Hãng ghi nhận khoản thu nhập khác 904 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lỗ khác 184 tỷ đồng. Theo giải trình của Vietnam Airlines, nguyên nhân là do Pacific Airlines (PA) được đối tác tiếp tục xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu.

Trước đó, Pacific Airlines cho biết việc trả hết máy bay đã giúp hãng xử lý được khoản công nợ lớn đối với các chủ tàu, khoảng 220 triệu USD. Tuy nhiên, Pacific Airlines phải thực hiện việc cam kết trả toàn bộ đội tàu A320 cho các chủ tàu. Do đó, từ 18/3, Pacific Airlines đã tạm dừng các chuyến bay để tập trung đảm bảo điều kiện trả tàu như đã cam kết trong cuộc đàm phán.

Dù vậy, đặt bên cạnh câu chuyện lãi lỗ thì có một số vấn đề khác trên BCTC của Vietnam Airlines cần lưu ý.

Theo đó, tổng các khoản thanh toán tiền thuê tài chính (có thể hiểu là nợ thuê tài chính) trong vòng 1 năm của Vietnam Airlines tại ngày 30/6/2024 lên đến 3.859 tỷ đồng (3.411 tiền trả nợ gốc).

Trong khi đó, tổng tiền và tương đương tiền cùng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty là 3.408,1 tỷ đồng. Điều này cho thấy vấn đề thanh khoản của Vietnam Airlines sẽ là bài toán đặt ra với ban lãnh đạo công ty trong vòng 1 năm tới.

Vietnam Airlines không nêu rõ các khoản nợ vay này là gì, song công ty đang có khoản nợ xấu với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV). Tại ngày 30/6/2024, ACV xác định Vietnam Airlines và Pacific Airlines lần lượt nợ xấu 3.044 tỷ đồng và 880 tỷ đồng. Tức tổng nợ xấu là hơn 3.900 tỷ đồng. ACV xác định đây là các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi.

Ngoài HVN, nhiều hãng hàng không khác cũng có nợ xấu tại ACV như CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) 1.702 tỷ đồng, Bamboo Airways (2.265 tỷ đồng),…

Nhìn rộng hơn trong giai đoạn cổ phiếu HVN niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2019 đến nay, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines ghi nhận nhiều biến động.

Theo đó, xét trong giai đoạn 2019-2023, doanh thu thuần lớn nhất mà doanh nghiệp này đạt được là 98.288 tỷ đồng vào năm 2019-thời điểm trước dịch COVID-19. Những năm sau đó, chỉ tiêu này diễn biến trồi sụt và có lúc chỉ còn 27.911 tỷ đồng (năm 2021).

Liên tiếp trong 4 năm 2020-2023, Vietnam Airlines chìm trong thua lỗ, riêng năm 2021 lỗ hơn 13.279 tỷ đồng. Các khoản lỗ từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 khiến hãng lỗ lũy kế 41.057 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 17.025 tỷ đồng (tính đến 31/12/2023).

Hãng hàng không này đã đưa ra nhiều lý do để lý giải cho kết quả trên như thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, hoạt động vận tải hành khách trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn do suy giảm nhu cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh cao, giá nhiên liệu tăng cao, xung đột địa chính trị và các rủi ro tỷ giá,…

Dù trong 2 quý đầu năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả tích cực nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc và khoản thu nhập đột biến song bức tranh tài chính của Vietnam Airlines như đã đề cập đang có nhiều vấn đề. Tại thời điểm 30/6/2024, hãng bay còn lỗ lũy kế 35.811 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.533 tỷ đồng.

Nếu so sánh với một doanh nghiệp khác cùng ngành là CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) thì giai đoạn 2019-6T2024, Vietjet chỉ thua lỗ trong năm 2022 với 2.261 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, Vietjet ghi nhận 34.016 tỷ đồng doanh thu thuần, còn lợi nhuận trước thuế đạt 1.311 tỷ đồng, cao gấp 5 lần thực hiện của nửa đầu năm 2023.

Năm 2024, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu là 65.566 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.081 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm kinh doanh, hãng hàng không này đã đạt 52% kế hoạch doanh thu và vượt 21% mục tiêu lợi nhuận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
27.00 +0.65 (+2.47%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
3 Bình luận 4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Ảnh đại diện


Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả
Chia sẻ 4