Nhiều doanh nghiệp ngành điện sẽ trả cổ tức tiền mặt cao lên tới 15% trong năm 2024?
Hầu hết các doanh nghiệp nêu trên đều dần hoàn tất nghĩa vụ nợ vay (NT2 đã hoàn thành nghĩa vụ nợ dài hạn từ tháng 6/2021) để bước vào giai đoạn tập trung trả cổ tức tiền mặt.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp ngành điện công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023.
LỢI NHUẬN SỤT GIẢM MẠNH
Cụ thể, với NT2, ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt mức 817 tỷ đồng (-62,6% so với quý trước, -62,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và -123 tỷ đồng (Q3/2022 ghi nhận mức lãi 199,0 tỷ đồng). Thêm vào đó, mức lợi nhuận sau thuế giảm mạnh YoY cũng do Q3/2022 NT2 cho ghi nhận thêm khoản 292 tỷ đền bù chênh lệch tỷ giá (sau đó đã trích lập khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi 187 tỷ đồng); dù sản lượng điện hợp đồng Qc tháng 9/2022 cũng ở mức thấp (37 triệu kWh), tuy nhiên giá FMP tháng 9 năm ngoái ở mức cao nên nhà máy vẫn phát thêm sản lượng trên thị trường điện.
Với HND, lợi nhuận sau thuế Q3 tăng trưởng mạnh nhờ chi phí sửa chữa lớn dự kiến sẽ hạch toán vào Q4. Sản lượng điện phát trong Q3/2023 của HND đạt 1.736 triệu kWh (-5,2% QoQ, +9,0% YoY). Do doanh nghiệp thay đổi phương pháp kế toán về trích lập chi phí SCL, nên chi phí đại tu tổ máy S1 và trung tu tổ máy S3 sẽ ghi nhận trong Q4/2023. Sản lượng điện trong Q3 tích cực hơn dự phóng của chúng tôi do lịch đại tu tổ máy S1 (từ 20/9 đến 10/11) lùi 20 ngày so với dự kiến. Bên cạnh đó, theo HND, giá than trộn đầu vào cũng đã hạ đáng kể từ tháng 8.
Tương ứng, HND ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt mức 2.884 tỷ đồng (-14,3% QoQ, -6,0% YoY) và 191 tỷ đồng (+5,9% QoQ, +372,5% YoY). Mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng nhờ việc doanh nghiệp đã thay đổi phương pháp hoạch toán chi phí SCL (không trích trước và phân bổ theo quý như trước đây). Do đó, Q4/2023 có thể ghi nhận lỗ khi HND thực hiện ghi nhận chi phí này.
Với QTP, doanh thu thuần đạt mức 2.507 tỷ đồng (-32,4% QoQ, -20,2% YoY). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận (-95,3%QoQ, -92,1% YoY), chủ yếu do sản lượng ảnh hưởng bởi kỳ đại tu, và (2) giá FMP giảm mạnh. Tuy nhiên, đáng chú ý QTP có cách hạch toán chi phí sửa chữa lớn khác HND, hiện tại QTP đã trích trước khoảng 455,5 tỷ đồng.
Tại PPC, doanh thu thuần đạt mức 1.337 tỷ đồng (-4,3% QoQ, +14% YoY). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 84,1 tỷ đồng (-49,8% QoQ, -45,6% YoY), thoát lỗ nhờ khoản thu nhập cổ tức 176 tỷ đồng từ công ty liên kết. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận giảm mạnh QoQ và YoY trong khi sản lượng tăng chủ yếu do cách hoạch toán chi phí sửa chữa lớn thay đổi. Trong Q3, chi phí này ghi nhận 105 tỷ đồng (+34,6% YoY).
NỢ VAY TRẢ HẾT, SẴN SÀNG TRẢ CỔ TỨC TIỀN MẶT CAO
Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt - VDSC, quý 3 là thời điểm mùa mưa tại miền Bắc và miền Nam, mùa khô ở miền Trung. Giá thị trường điện toàn phần (FMP) bắt đầu hạ từ tháng 7, giảm mạnh trong tháng 8 (-48,2% YoY) và tháng 9 (-43,6% YoY) khi có nhiều đợt mưa lớn ở Bắc & Nam bộ, lượng mưa nhiều khiến nước về các hồ chứa nhà máy thủy điện cải thiện.
Đồng thời, giá than nhiệt nhập khẩu cũng như than trộn nội địa của nhà cung cấp TKV và TCT Đông Bắc cũng đã hạ nhanh trong tháng 8, giúp mặt bằng chung giá điện toàn phần FMP hạ nhiệt.
Nhìn chung trong Q3/2023, thủy điện chiếm tỷ lệ huy động cao theo loại hình nguồn điện nhờ lưu lượng nước về hồ chứa tốt.
Với nhóm nhiệt điện, sản lượng điện khí đóng góp vào tỷ trọng sản lượng chung thấp hơn so với cùng kỳ, chủ yếu do Giá thành sản xuất cao (làm giải lợi thế trên thị trường phát điện cạnh tranh) nên các nhà máy điện khí có thể đã chào giá vận hành cao để đạt lợi nhuận tối ưu trong điều kiện phụ tải thấp, và Khả năng cung cấp khí nội địa cho sản xuất của một số cụm khí bị suy giảm.
Với nhóm cổ phiếu phòng thủ như các doanh nghiệp nhiệt điện, VDSC kỳ vọng có thể tích lũy khi nhà đầu tư kỳ vọng vào mức tỷ suất cổ tức ổn định.
Hầu hết các doanh nghiệp nêu trên đều dần hoàn tất nghĩa vụ nợ vay (NT2 đã hoàn thành nghĩa vụ nợ dài hạn từ tháng 6/2021) để bước vào giai đoạn tập trung trả cổ tức tiền mặt. Nhà đầu tư có thể cân nhắc thời điểm mua vào hợp lý để đạt được cả kỳ vọng về tỷ suất sinh lời (lãi vốn) trong dài hạn bên cạnh mức cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm.
VDSC dự đoán mức chi trả cổ tức tiền mặt của các doanh nghiệp nhiệt điện trong năm 2024 (chi trả cho năm tài chính 2023) lần lượt là: NT2 với tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt 15% tương ứng với tỷ suất cổ tức khoảng 6,6%; HND với tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt 8% tương ứng với tỷ suất cổ tức khoảng 5,8%; QTP với tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt 15% tương ứng với tỷ suất cổ tức khoảng 11,0%; PPC với tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt 8% tương ứng với tỷ suất cổ tức khoảng 6,4%, dựa trên giá đóng cửa ngày 26/10/2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận