Nhận định chứng khoán 25/6: Quán tính giảm có thể tiếp tục xuất hiện
Quán tính giảm của thị trường có thể tiếp tục xuất hiện vào phiên sáng nay 25/6 trước khi kiểm định lại lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.250-1.255 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên tập trung tái cơ cấu danh mục, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu đã có mức tăng giá cao trong thời gian vừa qua và những cổ phiếu mang thiên hướng đầu cơ.
VN-Index có thể vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về quanh vùng 1.245 điểm
Sau tuần giao dịch đi ngang, thị trường mở cửa phiên sáng 24/6 trong sắc xanh và VN-Index thử thách mốc 1.285 điểm, tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu và chỉ số nhanh chóng giảm điểm trước áp lực bán gia tăng trên diễn rộng và những nỗ lực phục hồi sau đó đều không thành công trước áp lực cung ngày càng lớn đặc biệt trong phiên chiều khiến VN-Index kết phiên giao dịch ngày 24/6 tại mốc 1.254,12 điểm, giảm mạnh -27,9 điểm (-2,18%). HNX-Index kết phiên tại mốc 239,74 điểm (-4,63 điểm, tương ứng -1,89%). Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về bên bán với 277 cổ phiếu giảm giá, 65 cổ phiếu tăng giá, 39 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 137 cổ phiếu giảm giá, 62 cổ phiếu tăng giá và 38 cổ phiếu tham chiếu.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tăng mạnh so với phiên giao dịch trước đó cho thấy áp lực bán là khá lớn, khối lượng khớp lệnh +56,4% tại HOSE và +52,3% tại HNX.
VN-Index kết phiên giao dịch ngày 24/6 tại mốc 1.254,12 điểm, giảm mạnh -27,9 điểm
Thị trường phiên 24/6 nổi bật với tin đính chính từ phía Masan Group, cụ thể là trước đó theo bài báo từ tờ Maeil Business Newspaper của Hàn Quốc, về việc SK Group (SK) “đã thực hiện quyền chọn bán (quyền bán cổ phiếu) để bán 9% cổ phần sở hữu tại Masan Group”, Masan Group cho biết, thông tin này là không đúng. Cho đến nay, SK chưa thực hiện quyền chọn bán. Cổ phiếu MSN kết phiên 24/6 giảm 3,3%, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng mạnh +209% so với phiên gần nhất.
Nhóm ngành kém tích cực nhất của thị trường phiên 24/6 là Chứng khoán với nhiều mã giảm điểm mạnh ngay từ khá sớm. Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu khác thời gian qua tăng mạnh cũng chịu áp lực chốt lãi và điều chỉnh như Cảng và Vận tải biển, Viễn thông công nghệ, các cổ phiếu Viettel có VGI (-5,21%), CTR (-5,74%), VTP giảm kịch biên độ sàn HSX. Các cổ phiếu Dầu khí, Hóa chất, Phân bón cũng có một phiên giao dịch không mấy tích cực.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, Phân Bón chịu áp lực bán mạnh tại vùng kháng cự quanh 1.285 điểm, giá cao nhất tháng 09/2022 cũng như giá cao nhất tháng 5/2024. Với áp lực bán khá tiêu cực, thanh khoản đột biến, áp lực bán cắt lỗ ngắn hạn gia tăng mạnh ở nhiều mã/nhóm mã khi các vị thế T+2 về thua lỗ ngắn hạn. VN-Index đang kiểm tra lại vùng dưới của kênh tích lũy 1.250 điểm -1.300 điểm, cũng tương ứng với vùng cân bằng của kênh tích lũy trung hạn 1.245 điểm -1.255 điểm. Trong đó, 1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 9/2023, 1.245 điểm là giá cao nhất tháng 8/2023. Sau áp lực bán mạnh phiên 24/6, VN-Index có thể vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về quanh vùng 1.245 điểm, nếu tích cực vẫn duy trì được trên vùng giá 1.250 điểm khi kết thúc quý II/2024 trong cuối tuần này.
Chuyên gia của SHS nhận định, đây là tuần khá quan trọng của thị trường khi kết thúc quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2024. Xu hướng trung hạn, VN-Index duy trì biến động trong kênh 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm. Trong đó, 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 điểm - 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
“Trong ngắn hạn, với diễn biến hiện tại và khi thị trường đang trong giai đoạn chốt NAV quý II, cập nhật lại các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Nhà đầu tư ngắn hạn nếu tỉ trọng trên mức trung bình, hoặc đang có tỉ lệ dư nợ cao, danh mục mở rộng quá mức nên xem xét giảm tỉ trọng đối với các mã đã đạt kỳ vọng, các mã có xu hướng bắt đầu suy yếu, không giữ được đường giá trung bình 20 phiên và đang chịu áp lực bán đột biến, nếu có. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, cần đánh giá cẩn trọng hơn dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành, khi quí II/2024 đang dần kết thúc”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Quán tính giảm của thị trường có thể tiếp tục xuất hiện
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đóng cửa ở mức giá gần thấp nhất phiên và hình thành mẫu nến Marubozu giảm điểm cho thấy áp lực bán đang chiếm ưu thế. Thị trường sau khi mất mốc hỗ trợ tại vùng 1.275-1.280 đã lùi về vùng hỗ trợ 1.250 – 1.255 điểm, tương ứng mốc MA50. Chỉ báo RSI đảo chiều giảm cho thấy tín hiệu kém tích cực và áp lực bán có thể tiếp tục gia tăng.
Quán tính giảm của thị trường có thể tiếp tục xuất hiện
“Quán tính giảm của thị trường có thể tiếp tục xuất hiện vào phiên sáng nay 25/6 trước khi kiểm định lại lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.250-1.255 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên tập trung tái cơ cấu danh mục, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu đã có mức tăng giá cao trong thời gian vừa qua và những cổ phiếu mang thiên hướng đầu cơ. Về phía giải ngân mới, có thể canh giải ngân đối với các cổ phiếu đầu ngành, bluechips khi giá cổ phiếu giảm về vùng hỗ trợ đồng thời chỉ báo RSI về vùng quá bán”, chuyên gia của Agriseco lưu ý.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi trong phiên hôm nay 25/6. Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong ngắn hạn đã trở nên tiêu cực hơn, mặc dù vậy các chỉ báo kỹ thuật giảm về gần vùng quá bán cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trong ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh và chuyển sang trạng thái bi quan.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận