Nhà đầu tư giảm tiếp xúc với thị trường Trung Quốc
Các nhà quản lý tài sản cho biết khách hàng đang lo ngại về căng thẳng địa chính trị và tình trạng tăng trưởng yếu ớt ở Trung Quốc.
Trung Quốc giống Nhật Bản 30 năm trước
Giới quản lý quỹ toàn cầu cho biết họ đang phải gấp rút đáp ứng nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm đầu tư mới ở châu Á, không bao gồm Trung Quốc. Hứng thú của nhà đầu tư đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á đang bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm chạp và rủi ro địa chính trị gia tăng.
Họ cho biết khách hàng muốn đầu tư vào quỹ “đồng minh của châu Á”, tức là các quỹ đầu tư vào những thị trường thân thiện với Mỹ.
Theo giới quản lý tài sản, việc chiến lược đầu tư này trở nên phổ biến sẽ tạo ra một trong những thay đổi cơ cấu lớn nhất đối với thị trường châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi danh mục đầu tư “châu Á không tính Nhật Bản” ra đời cách đây khoảng ba thập kỷ.
Nhu cầu tăng lên do căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang và Trung Quốc bị phần còn lại của châu Á bỏ lại phía sau xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Minyue Liu, chuyên gia đầu tư tại BNP Paribas Asset Management, cho biết các khách hàng quốc tế đã bắt đầu gửi yêu cầu cung cấp các quỹ đầu tư bao trùm khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng loại trừ cả Trung Quốc và Nhật Bản.
Điều đó nghĩa là có cơ hội đầu tư thực sự, chứ không chỉ là giả thuyết của nhà đầu tư, theo ông Liu. Vị chuyên gia này cho biết thêm BNP Paribas AM đã đàm phán với khách hàng về việc cung cấp các sản phẩm đầu tư ở châu Á không tính Trung Quốc.
Nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về những khoản vốn liên quan tới Trung Quốc sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Nhưng giới quản lý quỹ cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm đầu tư ở châu Á không tính Trung Quốc tăng rõ rệt trong những tháng gần đây, khi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu đi và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi yếu ớt.
Điều này được thể hiện ở hiệu quả hoạt động của chỉ số MSCI Thị trường mới nổi châu Á, với mức lợi nhuận ròng chỉ 1.3% trong năm nay, và chỉ số MSCI Thị trường mới nổi châu Á không tính Trung Quốc, với mức lợi nhuận 8.6%. Trong các thị trường có hiệu quả hoạt động tốt nhất khu vực, phải kể đến Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), tăng lần lượt khoảng 20 và 30%.
Theo Christopher Lees, nhà quản lý quỹ cấp cao tại J O Hambro Capital Management, u hướng hiện nay cho thấy giới đầu tư đang muốn khai thác đà tăng trưởng của khu vực, đồng thời tập trung tiếp xúc với các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ.
Ông Lees nói: “Về địa chính trị, khách hàng có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tôi cho rằng bất kỳ ai từng nghĩ căng thẳng Mỹ - Trung sẽ kết thúc thì giờ đây họ đều nhận thức rất rõ là điều đó sẽ không xảy ra. Đồng thời, khách hàng thấy rằng họ có thể tiếp xúc với Trung Quốc thông qua các thị trường khác như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, động lực chính của xu hướng đầu tư vào khu vực châu Á không tính Trung Quốc là kinh tế, không phải địa chính trị, ông nói thêm. Nhiều nhà đầu tư tại thị trường mới nổi nhận thấy tỷ trọng của Trung Quốc trong các chỉ số chuẩn của MSCI và FTSE là quá lớn, làm lệch cán cân khỏi một số thị trường khác như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
“Đây là những gì từng xảy ra với Nhật Bản vào 30 năm trước”, ông Lees nói.
Nhà đầu tư tổ chức lớn cũng rút lui
Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã bắt đầu giảm tiếp xúc với Trung Quốc, đồng thời tăng nắm giữ tài sản của những quốc gia khác trong khu vực. Dữ liệu của Goldman Sachs dựa trên dòng chảy giao dịch của khách hàng cho thấy nguồn vốn mà các quỹ phòng hộ phân bổ cho cổ phiếu Trung Quốc đã giảm từ 13% trong tháng 1 xuống còn 9% vào cuối tháng 5 năm nay.
Vốn ròng đổ vào cổ phiếu Trung Quốc trong năm nay đã ổn định ở mức khoảng 26 tỷ USD, sau khi tăng vọt vào tháng 01/2023 nhờ chính sách mở cửa trở lại. Cũng theo một dữ liệu gần đây, những nhà đầu tư giao dịch trái phiếu Trung Quốc thông qua chương trình Kết nối trái phiếu của Hồng Kông (Trung Quốc) đã bán tháo khoảng 31 tỷ USD trái phiếu Chính phủ nước này trong 4 tháng đầu năm nay.
Ngược lại, số liệu từ ngân hàng ANZ cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã mua gần 38 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á không tính Trung Quốc trong năm nay. Số tiền mua ròng đạt 22.4 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 05/2023, đánh dấu tháng mua ròng lớn nhất kể từ năm 2011.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận