Nhà đầu tư có nguy cơ mất vốn nếu Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) phá sản
Cổ đông lớn Nguyễn Văn Hồng của CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (mã STT) - người nắm giữ 21,8% vốn tại STT - đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với STT khi cho rằng Công ty hoạt động không hiệu quả, dẫn tới thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán. Căn cứ vào Luật Phá sản, Tòa án nhân dân TP.HCM đã thụ lý yêu cầu này.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2019, tính đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn của STT là 32,7 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu âm 13,2 tỷ đồng do có nợ phải trả lớn hơn, đạt 45,9 tỷ đồng.
Trong thuyết minh báo cáo tài chính, STT ghi nhận phải trả người bán 2,7 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 13,6 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác 16,8 tỷ đồng; doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 3,2 tỷ đồng; vay ngắn hạn và dài hạn là 5,8 tỷ đồng.
Như vậy, tổng khoản nợ các đối tượng có thuyết minh giá trị lớn là 42,1 tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản là 9,4 tỷ đồng. Khi doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, theo thứ tự chia trả, đây là các khoản mục sẽ được ưu tiên nhận trước cổ đông thường.
Tại thời điểm 31/12/2019, STT có tổng tài sản là 32,7 tỷ đồng, trong đó 14,5 tỷ đồng là tài sản cố định; 8,5 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang; 6,3 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn; 1,6 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn ngắn.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tài sản cố định của STT chủ yếu là phương tiện vận tải, truyền dẫn (14,2 tỷ đồng).
Tuy nhiên, các tài sản này đều đã được thế chấp để vay vốn ngân hàng (trị giá khoản vay 5,8 tỷ đồng), nên một phần sẽ bị siết để trả nợ vay.
Với chi phí xây dựng cơ bản dở dang, đây chủ yếu là tiền thuê đất tại số 25 Pasteur, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM, việc thu được tiền hay không phụ thuộc lớn vào hợp đồng thuê và khả năng thu hồi sẽ không cao.
STT còn phải trích lập dự phòng lên tới 30,9 tỷ đồng do các khoản phải thu lớn, trong đó có khoản phải thu khác ghi giá gốc là 33,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ khi chưa nhận được các biên bản xác nhận nợ phải thu khách hàng ngắn hạn (9,6 tỷ đồng), phải thu ngắn hạn khác (30,2 tỷ đồng) và phải thu về cho vay dài hạn (5,8 tỷ đồng) tại thời điểm phát hành tại báo cáo tài chính kiểm toán 2019.
Kiểm toán cho biết, không có điều kiện thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế khác để xác định tính đúng đắn của các khoản nợ này, nên không đưa ra kết luận về số dư các khoản mục, cũng như ảnh hưởng của các số dư này đến các chỉ tiêu trình bày trên báo cáo tài chính tổng hợp của STT.
Như vậy, STT sẽ gặp khó khăn trong chuyển đổi các tài sản trị giá lớn thành tiền, nhất là khoản phải thu và chi phí xây dựng cơ bản dở dang, đó là chưa kể việc chuyển đổi thường mất một tỷ lệ chuyển đổi nhất định.
Mặt khác, giá trị tài sản là phương tiện vận tải, truyền dẫn một phần được thế chấp ngân hàng và một phần sẽ mất giá trị do khấu hao.
Có thể thấy, với tình hình tài chính hiện tại, STT rất khó để thực hiện được các nghĩa vụ trả nợ cho chủ nợ, đối tác…
Đối với tư cách nhà đầu tư cổ phần, do chỉ chịu trách nhiệm trên vốn cổ phần đã góp nên không phải góp thêm vốn trả chủ nợ, nhưng cũng có thể không được nhận tiền hoặc tài sản nếu tòa tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Trong Báo cáo thường niên năm 2020 ngoài ông Hồng nắm trên 21% vốn và Tổng giám đốc Kakazu Shogo sở hữu 3,93%, STT không thuyết minh cụ thể cơ cấu cổ đông sở hữu trên 5% mà chỉ ghi doanh nghiệp có 4 cổ đông lớn và 283 cổ đông nhỏ. Như vậy tổng số 287 cổ đông STT có nguy cơ mất vốn.
Với trường hợp của STT, nếu phá sản thì các chủ nợ khó có thể thu hồi được hết nợ. Trên sàn chứng khoán những công ty trong tình trạng như STT là không hiếm.
Quy định pháp luật hiện hành liên quan đến thủ thục phá sản và thứ tự chia tài sản
Điều 4 - Luật Phá sản năm 2014 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Điều 54 Luật phá sản năm 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản như sau:
1. Trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự: a) Chi phí phá sản; b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại Khoản 1 điều này mà vẫn còn, thì phần còn lại này thuộc về: a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên; b) Chủ doanh nghiệp tư nhân; c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần; đ) Thành viên của công ty hợp danh.
3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại Khoản 1 điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường