Ngành thép đã qua ‘cơn bĩ cực’ nhưng khi nào sẽ đến ‘hồi thái lai’?
Hai doanh nghiệp thép đầu ngành là Hòa Phát, Hoa Sen có chung nhận định ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, để trở lại thời kỳ rực rỡ trước đây thì không phải một sớm một chiều bởi bối cảnh thực tại vẫn còn rất nhiều thách thức.
“Thời điểm xấu nhất ngành thép đã qua”, đó là nhận định của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 10/3 vừa qua.
Sau khi báo lỗ hơn 680 tỷ đồng trong quý 1 niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022-31/12/2022), Hoa Sen dự kiến lỗ thêm trăm tỷ nữa vào tháng 1/2023, nâng lỗ lũy kế 4 tháng đầu năm niên độ 2022-2023 lên hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên theo ông Vũ, tháng 2/2023, HSG đã bắt đầu có lãi trở lại, khoảng 50 tỷ đồng và tháng 3/2023 dự kiến lãi trăm tỷ.
Chủ tịch Hoa Sen cho biết thêm, hàng tồn kho của Hoa Sen đủ dùng đến tháng 5/2023, giá thép thấp mà Hoa Sen mua trong năm ngoái là 510 USD/tấn và tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Trong khi đó, hiện tại giá thép cán nóng (HRC) của Formosa đã lên tới 680 USD/tấn và đơn hàng từ Trung Quốc cũng trên dưới 700 USD/tấn. Chính vì vậy, Hoa Sen sẽ có lãi tốt trong những tháng tới để bù lỗ trong 4 tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023.
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022 và kế hoạch năm 2023 trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên (dự kiện tổ chức vào ngày 30/3 sắp tới), Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, năm 2022 là một năm đầy khó khăn với ngành thép. Chiến sự Nga – Ukraine, kết hợp với suy thoái hậu Covid-19 cùng lạm phát tăng vọt và chính sách tiền tệ thắt chặt đã kéo lùi mức tăng trưởng của toàn ngành trong 3 quý cuối năm 2022.
Sang năm 2023, Hòa Phát nhận định điểm tích cực là lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh, tỷ giá được kiểm soát tốt hơn, không còn thời kỳ “ngủ đông”, bi quan như giai đoạn cuối năm 2022. “Tập đoàn nhận thấy, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Hòa Phát đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động”, nhận định của Hòa Phát tại báo cáo kinh doanh quý 4/2022 với mức lỗ kỷ lục 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, 2 doanh nghiệp thép đầu ngành vẫn đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2023 khi trước mắt vẫn còn nhiều thách thức. Hòa Phát cho biết, với một tập đoàn đa ngành, nhận diện khó khăn hay lợi thế đều phải đặt trong bối cảnh toàn cầu. Tác động của chiến sự Nga – Ukraine về năng lượng, lương thực chưa thể lường hết; Trung Quốc đã mở cửa từ đầu năm 2023, cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn vẫn là ẩn số. Vì vậy, HPG xác định năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm.
Năm 2023, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 5%. Mức lợi nhuận này chỉ tương đương với giai đoạn 2017-2019, thời điểm trước khi công ty bước vào thời kỳ đỉnh cao.
Hoa Sen cũng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với 2 kịch bản. Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, công ty dự kiến doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận 100 tỷ đồng, giảm 60%.
Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận 300 tỷ đồng, tăng 20%.
Không có các yếu tố tích cực trong ngắn hạn
Tại chương trình bàn tròn chuyên gia của Chứng khoán VNDirect với chủ đề “Biến động thị trường chứng khoán: Tâm điểm ngành thép và bất động sản” (ngày 10/3), bà Nguyễn Thị Khánh Hiền - Giám đốc khối phân tích VNDirect cho biết, trong tháng 1, nguồn cung thép thế giới tăng trở lại sau nhiều quý giảm. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp thép trên thế giới dự báo nhu cầu sẽ tăng lên và họ tái khởi động một số nhà máy.
Ở thị trường trong nước, hàng tồn kho giá cao của các doanh nghiệp thép giảm mạnh vào cuối quý 4/2022. “Có thể nói, thời điểm khó khăn của ngành thép đã qua. Tuy nhiên, khi nào ngành thép mới khởi sắc thì cần tìm hiểu các biến số nào tác động đến ngành thép”, bà Hiền nói.
Theo bà Hiền, hiện tại 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.
Đối với mảng xuất khẩu, thị trường ASEAN - tiêu thụ khoảng 10% tổng lượng thép cả nước. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngoại trừ Indonesia là điểm sáng, các nước như Thái Lan hay Singapore đều chứng kiến hoạt động xây dựng bị chậm lại. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực dự kiến tăng trưởng chậm hoặc đi ngang.
Với khu vực châu Âu, Mỹ (tiêu thụ 3% tổng lượng thép), phần sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan, do đó nhu cầu khó có mức độ tăng mạnh, nhất là khi Fed có thể tăng lãi suất ít nhất thêm 2 lần nữa trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, ngành thép vẫn còn cứu cánh đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ (chiếm 18% nguồn cung thép), đặc biệt là dự án sân bay Long Thành giúp góp phần giảm bớt sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ. “Chúng tôi dự kiến hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 20 - 25%, bao gồm cả việc sân bay Long Thành xây dựng đúng tiến độ”, bà Hiền cho biết.
Chuyên gia nhận định, nhìn chung các yếu tố tích cực đối với thị trường thép trong ngắn hạn gần như là không có. “Chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khoảng 9% trong năm 2023. Hầu hết các tổ chức dự báo giá thép giảm khoảng 3% so với năm 2022. Tuy nhiên về lâu dài, nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc đối với các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép và giúp biên lợi nhuận ngành tìm đến điểm cân bằng”, bà Hiền nói.
Trong giai đoạn này, bà Hiền cho rằng những doanh nghiệp quản trị rủi ro tốt (tỷ lệ vay ròng/vốn chủ sở hữu, nợ vay ngoại tệ/tổng nợ vay), quản trị hàng tồn kho tốt và có thị phần lớn sẽ phục hồi nhanh hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận