Ngành phân bón: Lúa lại trổ bông- Cổ phiếu tiềm năng
TRIỂN VỌNG NGÀNH PHÂN BÓN THẾ GIỚI 2024 KHẢ QUAN
Phân đạm (nitrogen) là mặt hàng phân bón quan trọng nhất thế giới khi chiếm 56% tổng sản lượng tiêu thụ toàn cầu giai đoạn 2015 – 2022. Theo sau, Phân lân (Phosphate) và Phân kali (Potash) lần lượt chiếm tỷ trọng 24% và 19% tổng sản lượng tiêu thụ phân bón cùng giai đoạn.
Theo Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA), tổng sản lượng phân bón thế giới năm 2023 kỳ vọng phục hồi tích cực 4% trong năm 2023, trước khi tăng tiếp 1,8% trong 2024. Trong khi, Rabobank dự báo có phần lạc quan hơn với mức tăng chung cho mảng phân bón toàn cầu năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 3% và 5%. Đây là cơ sở kỳ vọng cho triển vọng chung ngành phân bón thế giới sẽ cải thiện trong năm 2024.
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón, với sản lượng khoảng 11 triệu tấn phân bón ở cả 2 dòng sản phẩm chính là phân bón vô cơ lẫn hữu cơ.
Việt Nam đang là quốc gia chuyển hóa nhanh từ sử dụng phân bón vô cơ nguồn gốc hóa học, sang hữu cơ theo nhịp phát triển chung của toàn thế giới. Theo Cục bảo vệ thực vật, tỷ trọng sản lượng phân bón hữu cơ & vi sinh đã tăng từ mức 6,3% (năm 2017) lên 23% (T6/2022), với định hướng mục tiêu tỷ lệ sẽ tăng 25% vào năm 2025. Đây là định hướng phát triển chung trong dài hạn của ngành phân bón. Các doanh nghiệp nào tận dụng được việc chuyển đổi này sẽ được hưởng lợi trong dài hạn.
Thị trường phân bón tại Việt Nam tập trung ở mảng Urea, nhưng phân mảnh ở mảng NPK, Kali, Supe Lân.
+ Mảng Urea: tổng công suất nhà máy sản xuất cả nước ở mức 2,66 triệu tấn/năm, nhưng thị phần trong tay 4 doanh nghiệp là Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc. Đáng chú ý, doanh thu và lợi nhuận mảng Urea tập trung chính ở hai doanh nghiệp DPM và DCM nhờ ưu thế vượt trội về biên lợi nhuận, hệ thống phân phối và thương hiệu.
+ Mảng NPK: tổng công suất nhà máy sản xuất ở mức trên 3,7 triệu tấn/năm. Thị trường NPK tại VN phân mảnh với rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Mặc dù, Bình Điền (BFC) đang là doanh nghiệp có thị phần tiêu thụ NPK lớn nhất vào khoảng 15%.
+ Mảng DAP: công suất sản xuất toàn mảng vào khoảng gần 1 triệu tấn/năm. Thị trường phân mảnh. Các doanh nghiệp thị phần lớn bao gồm: DAP – Vinachem, Apromaco và Hà Anh. + Mảng Phân lân: công suất ở mức 1,2 triệu tấn. Thị trường phân mảnh với top thị phần lớn là Apromaco, Hà Anh & Văn Điển
Kỳ vọng giá phân bón tạo đáy vào tháng 6/2023, và đang trong chu kỳ phục hồi trong thời gian tới:
1) Nga và Trung Quốc đã kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu phân bón;
2) Các tổ chức lớn như Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) và NUE cùng dự báo tăng trưởng sản lượng phân bón toàn cầu tăng 1,8% cho năm 2024, sau khi kỳ vọng khoảng 4% trong năm 2023.
Cổ phiếu tiềm năng: DPM DCM
DPM:
Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 đạt 10,309 tỷ đồng (-30,7% YoY), và lợi nhuận sau thuế ở mức 425 tỷ đồng (-90,4% YoY): 1) Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 42,3% xuống mức 13% trong cùng kỳ do giá bán phân bón trên thế giới giảm mạnh vì tình trạng dư cung tại nhiều khu vực; 2) Thu nhập tài chính tăng 35,7%YoY đạt 282 tỷ đồng; 3) Chi phí bán hàng giảm 8,6% YoY; 4) Tổng sản lượng tiêu thụ đạt trên 980 ngàn tấn, tăng 12%YoY.
DPM là doanh nghiệp xuất khẩu URE hàng đầu Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2023, DPM ước sản xuất được gần 591 nghìn tấn (-14.7% so với cùng kỳ), tuy nhiên sản lượng kinh doanh đạt 684 nghìn tấn (+7% so với cùng kỳ) nhờ đẩy mạnh mở rộng thị trường, và thúc đẩy xuất khẩu. Dòng sản phẩm NPK đứng vị trí thứ 2 trong cơ cấu sản phẩm với hơn 104 nghìn tấn NPK được sản xuất và kinh doanh.
• Tháng 12/2023, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết nhiều văn bản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ mảng nông nghiệp sẽ được thúc đẩy, qua đó kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ phân bón được cải thiện.
Chúng tôi dự phóng tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt ở mức 13,496 tỷ (-28% YoY) và 833 tỷ (-85% YoY). Năm 2024, chúng tôi dự phóng tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 16,735 tỷ (+24% YoY) và 2,243 tỷ (+169% YoY): 1) Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 15,3% trong năm 2023 lên mức 22,5% trong năm 2024; 2) Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lần lượt 5% và 6,3%; 3) Sản lượng Phân bón kinh doanh ước đạt hơn 1,4 triệu tấn (+8,2% YoY), trong đó URE tăng 3,6%YoY đạt gần 1 triệu tấn và NPK tăng 12% đạt hơn 150 nghìn tấn.
EPS năm 2024 ước đạt 5,702 đồng/ cổ phiếu và P/E dự phóng ở mức 5,8x đây là mức P/E thấp nhất trung bình 5 năm. Vì vậy, chúng tôi đánh giá tích cực với DPM: 1) Hồi phục giá bán URE ở trên toàn cầu; 2) Hỗ trợ thúc đẩy kinh tế với Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi.
DCM:
9 tháng đầu năm 2023, Doanh thu của DCM đạt 9,436 tỷ đồng (-20,6% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 616 tỷ đồng (-81,1% YoY): 1) Biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 37,7% xuống 12,3% trong cùng kỳ từ việc giá bán giảm mạnh; 2) Doanh thu bán URE giảm hơn 31%YoY, trong đó doanh thu xuất khẩu URE với mức giảm mạnh hơn 51% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 2,080 tỷ đồng.; 3) Doanh thu tài chính tăng mạnh đóng góp đến từ khoản lãi tiền gửi gần 399 tỷ (+131% YoY) và lãi chênh lệch tỷ giá (+45,5% YoY).
• DCM là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu URE hàng đầu tại Việt Nam, và đây cũng là sản phẩm chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu doanh thu. 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp ước thực hiện kinh doanh URE hơn 690 nghìn tấn tăng 11% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng đứng thứ 2 trong cơ cấu sản phẩm là NPK có mức tăng đầy ấn tượng hơn 40%, đạt hơn 80 nghìn tấn.
Chúng tôi ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DCM năm 2023 lần lượt ở mức 13,593 tỷ đồng (-17% YoY) và 994 tỷ (-77% YoY). Tuy nhiên, với những triển vọng tích cực trong năm 2024, chúng tôi dự phóng tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 16,858 tỷ đồng (+24% YoY) và 2,092 tỷ (+111% YoY): 1) Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 12,5% trong năm 2023 lên mức 17,3% trong năm 2024; 2) thu nhập tài chính tăng nhẹ hơn 7% đạt 638 tỷ đồng; 3) Tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt hơn 1,4 triệu tấn, trong đó URE ước đạt hơn 1 triệu tấn (+13% YoY) và phân NPK đạt hơn 150 nghìn tấn (+20% YoY).
• EPS dự phóng đạt 3,951 đồng/ cổ phiếu, P/E dự phóng đạt 8,2x đây là mức thấp nhất trung bình 5 năm. Vì vậy chúng tôi đánh giá tích cục với DCM: 1) Khấu hao giảm mạnh giúp cải thiện tốt biên lợi nhuận; 2) Giá bán URE được hồi phục; 3) Xuất khẩu phân bón và nông sản của VN sẽ được cải thiện sau hỗ trợ thúc đẩy kinh tế với TQ.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận