Ngành dệt may chuyển đổi 'kép' để tiến xa hơn
DNVN - Phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hội nghị tổng kết 2024 ngày 14/12, ông Đặng Vũ Hùng – Phó Chủ tịch Vitas nhấn mạnh, ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi “kép” (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số) để tiến xa hơn.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) được thành lập vào ngày 16/7/1999 với mục tiêu tập hợp, kết nối và đại diện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đồng hành cùng ngành hàng phát triển bền vững. Trải qua 25 năm thành lập, Vitas đại diện cho gần 1.000 hội viên chính thức và liên kết đến từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiệp hội đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành dệt may Việt Nam. Đó là tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do quan trọng liên quan đến lĩnh vực dệt may.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực cũng như những khó khăn về tình hình kinh tế trong nước nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas phát biểu tạiLễ kỷ niệm 25 năm thành lập Vitas và Hội nghị tổng kết 2024.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%.
Thị trường EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%. Thị trường Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%. Thị trường Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3% và thị trường ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.
Năm 2024, Vitas đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong các hoạt động vận động chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện Chiến lược Phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Vitas và Hội nghị tổng kết 2024.
Từ năm 2031 - 2035, ngành dệt may sẽ phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giai đoạn mới, với vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam, Vitas sẽ tiếp tục nỗ lực; tập trung trí tuệ, sức sáng tạo, cùng các doanh nghiệp đoàn kết triển khai hiệu quả giải pháp chuyển đổi “kép”, để xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.
“Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Vitas và Hội nghị tổng kết 2024” là cơ hội để các chuyên gia trong ngành, đại diện các bộ, ngành, đối tác nước ngoài cùng các doanh nghiệp dệt may nhìn lại, đánh giá những dấu mốc phát triển ấn tượng của ngành dệt may Việt Nam trong 25 năm.
Trong 25 năm qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng. Tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn để mở rộng hoạt động xuất khẩu.
Đồng thời, tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may; kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế. Đặc biệt, Vitas đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Gian hàng trưng bày củaGenViet Jeans trong khuôn khổ sự kiện.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đặng Vũ Hùng – Phó Chủ tịch Vitas nhấn mạnh, chuyển đổi “kép” là yêu cầu tất yếu để ngành dệt may phát triển bền vững hơn. Cụ thể là nâng cao vị thế và danh tiếng của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu; giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng trưởng nhanh hơn. Ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi “kép” để tiến xa hơn.
Để thúc đẩy ngành dệt may phát triển thời gian tới, TS Cấn Văn Lực- Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia khuyến nghị, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất...để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền. Nắm bắt các xu hướng lớn, trong đó có phát triển xanh hóa và số hóa; tích hợp các yếu tố phát triển bền vững.
Đồng thời, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm - dịch vụ. Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, bảo hộ thương mại.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia. Qua đó, thúc đẩy ngành dệt may tận dụng được cơ hội để phát triển vượt trội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường