Ngân hàng Vietcombank (VCB) sắp tiến hành thương vụ bán 6,5% vốn?
Theo một số ước tính sơ bộ, giá bán cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank trong thương vụ bán 6,5% vốn cổ phần tới đây có thể lên đến 100.000 đồng/cổ phiếu.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (mã cổ phiếu VCB - sàn HoSE) vừa có thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 19/7 tới đây. Đại hội bất thường dự kiến được tổ chức vào ngày 19/8.
Mục đích của Đại hội bất thường là nhằm thảo luận, xem xét và thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Vietcombank (Phương án tăng vốn điều lệ năm 2024); Bầu bồ sung thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2023 – 2028; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động…
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán ACB (ACBS), nội dung họp Đại hội bất thường của Ngân hàng Vietcombank có liên quan đến kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho và một số cổ đông khác.
Kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đã được ban lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank đề cập từ năm 2019 nhưng chưa được triển khai trong nhiều năm qua, song đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tại Đại hội năm 2024, ban lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank tiếp tục cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2025. Theo ACBS, thương vụ này có thể sẽ hoàn tất trong quý 1/2025 trong bối cảnh kỳ vọng kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm nay, cùng với môi trường lãi suất thấp.
Tính đến ngày 31/12/2023, Vietcombank có 2 cổ đông lớn là Ngân hàng Nhà nước nắm giữ hơn 4,18 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 74,8% vốn và Mizuho Bank nắm giữ gần 0,84 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 15%. Theo một số tổ chức tài chính, Ngân hàng Vietcombank có thể chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).
Tiến độ triển khai thương vụ bán vốn hiện là một trong những mối quan tâm lớn nhất của cổ đông Ngân hàng Vietcombank.
Vào tháng 1/2019, Ngân hàng Vietcombank đã phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (tương ứng 2,55% vốn) cho GIC Private Limited (GIC) - Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và hơn 16,6 triệu cổ phần (tương ứng 0,4% vốn) cho ngân hàng Mizuho Bank (Nhật Bản). Qua đó, thu về tổng cộng khoảng 6.200 tỷ đồng tương đương mức giá 55.800 đồng/cổ phiếu VCB.
Mức giá phát hành thời điểm đó tương đương với P/E trượt 12 tháng (pre-money) là 16,0 lần và P/B sau phát hành (post money) là 2,8 lần. Dựa trên định giá của thương vụ trước đây, ACBS ước tính giá phát hành lần này sẽ rơi vào khoảng 96.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu VCB.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank trong 12 tháng qua.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 9/7, cổ phiếu VCB đạt 88.100 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức ước tính của ACBS, mức thị giá hiện nay đang thấp hơn từ 8% - 12%.
Theo ACBS, việc phát hành sẽ có nhiều tác động tích cực đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cũng như khả năng tăng truởng tín dụng của Ngân hàng Vietcombank. Cụ thể, mức CAR của ngân hàng này có thể được cải thiện thêm khoảng 2 điểm phần trăm sau đợt phát hành.
Mặc dù CAR của Ngân hàng Vietcombank tính đến 31/12/2023 là 11,4%, đã đủ đáp ứng yêu cầu tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, việc cải thiện hệ số an toàn vốn sẽ giúp VCB gia tăng năng lực cung ứng tín dụng ra nền kinh tế mà vẫn đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vốn của BASEL 3 trong tương lai, đồng thời tạo dư địa chi trả cổ tức tiền mặt trong những năm tới.
Tuy nhiên, với việc tăng gần 20% quy mô vốn chủ sở hữu, Ngân hàng Vietcombank sẽ phải đối mặt với áp lực duy trì hiệu quả sinh lời đang ở mức khá tốt của mình. ACBS dự báo ROE của ngân hàng này sẽ giảm từ mức 20% hiện tại xuống 15% đến năm 2026 - tương đương với trung bình ngành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường