Ngân hàng gặp khó khi dự án điện gió lỡ hẹn với giá FIT
Trước khi đề cập tới hàng tỉ USD của các ngân hàng đang ‘chơi vơi’ khi dự án điện gió lỡ hẹn với giá FIT, đại diện MBBank đặt vấn đề huy động vốn cho dự án điện than khi chuyển tiếp sang quy hoạch điện VIII.
Ông Phạm Như Ánh – Thành viên Ban điều hành MBBank - phát biểu tại toạ đàm Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển năng lượng tái tạo diễn ra sáng nay (22/12)
Đề xuất phát hành trái phiếu năng lượng để xây nhà máy điện than
Phát biểu tại tọa đàm “Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển năng lượng tái tạo” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay (22/12), ông Phạm Như Ánh – Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank), cho rằng vẫn cần phát triển điện than.
Bởi lẽ, các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió – dù phát triển mạnh mẽ - vẫn chưa thể thay thế ngay được. Đây cũng là nguồn điện giúp Việt Nam bảo đảm an ninh năng lượng trong giai đoạn chuyển tiếp từ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) sang Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (quy hoạch điện VIII).
Tuy nhiên, nhiều định chế tài chính trên thế giới đã và đang dừng cho vay điện than. Trong khi đó, khoảng một nửa các ngân hàng trong nước cũng vướng các quy định, cam kết quốc tế về cho vay điện than.
Đại diện MBBank đề xuất cơ chế riêng về tài chính để làm các dự án điện than, trong đó có việc phát hành trái phiếu năng lượng nhằm huy động vốn từ các doanh nghiệp (không phải định chế tài chính) và các cá nhân, có kỳ hạn từ 10 -15 năm.
Hàng tỉ USD của ngân hàng ‘chơi vơi’ khi dự án điện gió lỡ hẹn với giá FIT
Đối với việc phát triển dự án năng lượng tái tạo, ông Ánh cho biết, MBBank đang có tổng dư nợ và cam kết cho vay khoảng 50.000 tỉ đồng cho các dự án điện gió, điện mặt trời.
Theo ông Ánh, các dự án năng lượng tái tạo hiện nay cơ bản có quy mô nhỏ, từ 100MW đến 200MW, phù hợp với năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo thu hút được đông đảo các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia.
“Trong 3 năm vừa qua, việc phát triển năng lượng tái tạo rất tốt, cho cả nhà đầu tư và các định chế tài chính”, ông Ánh nói.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực điện gió, đại diện MBBank cho rằng có khoảng 7 tỉ USD đang trong trạng thái “chơi vơi”. Trong đó, các ngân hàng góp tới 4 tỉ USD (vì cho vay khoảng 70% tổng vốn đầu tư dự án).
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến các dự án rơi vào cảnh đình trệ tối thiểu 4 tháng, bao gồm: tối thiểu 2 tháng do khâu logistics và 2 tháng do hạn chế vận tải trong nước.
“Chúng tôi không biết nên gia hạn hay đàm phán ra sao?”, ông Ánh cho hay. Đồng thời nhấn mạnh rằng, cứ mỗi ngày trôi qua, khoản tiền 7 tỉ USD của nhà đầu tư và các ngân hàng – cũng có thể coi là tài sản quốc gia – không sinh lời. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng khó giải ngân với các dự án chưa có COD.
“Như vậy, cần có tháo gỡ để các dự án này sinh ra dòng tiền, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và các nhà đầu tư có bức tranh tài chính sáng sủa. Đề nghị Bộ Công thương cần có cơ chế gia hạn tối thiểu 4 tháng do ảnh hưởng bởi Covid-19”, ông Ánh nêu quan điểm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận