Ngân hàng dự kiến tăng trưởng 23,8% LNST 2021, cổ phiếu đắt hay rẻ?
Năm 2021 FiinGroup dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm Ngân hàng đạt 23,8% tuy nhiên chỉ số giá cổ phiếu ngành này đã tăng 34,4% kể từ đầu năm, khiến định giá cổ phiếu nhóm này không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận năm.
Trong báo cáo mới phát hành, FiinGroup đã đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận khối Ngân hàng năm 2021 với mức tăng trưởng sau thuế 23,8%. Số liệu được tính toán từ 27 ngân hàng niêm yết với sự bứt tốc của khối ngân hàng tư nhân bao gồm TCB (+25,9%), VPB (+27,9%), MBB (+22,7%), HDB (25,3%), và TPB (+32,2%).
Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm NIM duy trì ở mức cao, đẩy mạnh cho vay sau khi tăng quy mô vốn chủ, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không lớn nhờ Thông tư 03 và thu nhập từ hoạt động dịch vụ đang không ngừng tăng trưởng cao.
Kết thúc quý 1/2021, các ngân hàng đã thực hiện 1/3 kế hoạch lợi nhuận năm, cho thấy khả năng cao họ có thể hoàn thành vượt mức kế hoạch. Đáng chú ý có VietinBank (CTG) đã hoàn thành gần 50% LNST dự kiến cả năm, tuy nhiên CTG đưa ra kế hoạch lợi nhuận thấp hơn 2,3% so với năm 2020.
Câu hỏi đặt ra, vậy cổ phiếu Ngân hàng còn hấp dẫn?
Tính đến thời điểm cập nhật số liệu, chỉ số giá cổ phiếu Ngân hàng tăng 34,4% kể từ đầu năm, FiinGroup cho rằng, triển vọng tích cực đã phần nào được phản ánh vào giá, khiến định giá cổ phiếu nhóm này không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận năm 2021.
Tương tự với việc đánh giá về tính hấp dẫn về định giá chung của cả thị trường cộng với các rủi ro thay đổi chính sách liên quan đến ngành ngân hàng, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư cần cân nhắc đánh giá triển vọng của cả năm 2022 khi xem xét cơ hội đầu tư dài hạn nhóm cổ phiếu này.
Hơn nữa, FiinGroup cho biết, yếu tố phát hành cổ phiếu một mặt có tác động rất tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về quản trị rủi ro, nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá và đo đó, FiinGroup khuyến nghị nên đánh giá từng cổ phiếu riêng lẻ trong xem xét này.
Cụ thể, trong tổng số 102,6 nghìn tỷ đồng giá trị phát hành vốn mới (bao gồm đã thực hiện và dự kiến thực hiện trong năm 2021) của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết thì các ngân hàng chiếm 21,4% và lên tới 22 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, thì tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020. Đây là lý do khiến EPS của các Ngân hàng ước tăng 4,6% trong năm nay dù LNST dự kiến tăng 23,8%.
Dựa trên kế hoạch lợi nhuận và phát hành cổ phần của các ngân hàng cho năm 2021, P/B tương lai năm 2021 của khối ngân hàng là 2,0x, thấp hơn so với mức hiện tại (2,6x).
Liên tục tăng nhưng định giá vẫn khá rẻ
Với đóng góp lớn vào tăng trưởng của chỉ số VN-Index thời gian qua, nhóm Ngân hàng được nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định về dư địa tăng trưởng.
Trong báo cáo mới phát hành của CTCK Rồng Việt (VDSC), VDSC đánh giá lạc quan về mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 với tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm bất chấp diễn biến của dịch bệnh. Sự lệnh pha này đến từ chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh: môi trường lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ mở rộng, và các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh như xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.
Về định giá Ngân hàng, VDSC cho rằng, hệ số định giá P/B của ngành đang cao hơn mức bình quân 5 năm hai lần độ lệch chuẩn và khuyến nghị hạn chế mua đuổi nhóm Ngân hàng trong tháng 6. Mặc dù vậy, VDSC vẫn ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng thuộc danh mục đã khuyến nghị bao gồm: TCB, ACB, VCB khi những cổ phiếu này đáp ứng nhiều tiêu chí về tăng trưởng, bộ đệm dự phòng, định giá vẫn ở mức hợp lý. Trong khi giữ quan điểm thận trọng với một số cổ phiếu nhóm ngân hàng như STB, VPB khi mà những cổ phiếu này đã tăng rất mạnh và vượt qua giá mục tiêu.
Thậm chí, CTCK BSC còn đưa ra dự phóng đầy tham vọng đối với các cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, CTCK này đã nâng định giá các cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021 lên mức khá cao có thể kể đến như VCB (135.000 đồng/cổ phiếu), CTG (69.500 đồng/cổ phiếu), TCB (71.500 đồng/cổ phiếu), VPB (90.100 đồng/cổ phiếu),…
Trong báo cáo cập nhật thị trường tháng 5/2021, Dragon Capital cũng cho biết dù đã tăng liên tục trong những tháng gần đây, định giá vẫn khá rẻ so với các thị trường trong khu vực, nhờ vào tốc độ tăng trưởng cao và lợi nhuận vượt trội. Năm 2022 có khả năng đà tăng trưởng sẽ chậm lại, tuy vậy Dragon Capital cho rằng định giá nhóm ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận