Ngân hàng ACB 'ém' thù lao của Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy
Ngân hàng ACB đã không công bố thù lao của Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy và tiền lương của Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Thù lao và ngân sách của HĐQT và BKS ACB cao ngất ngưỡng
Hiện nay, Ngân hàng ACB có vốn hóa lớn và nằm trong rổ VN30 được nhiều nhà đầu tư ngoại, các quỹ ETF quan tâm. Những năm gần đây, thù lao và ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) luôn ở mức 0,6% lợi nhuận sau thuế theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán.
Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng ACB đạt 16.045 tỷ đồng nên thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS khoảng 96,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính 2023 hợp nhất, thù lao 9 thành viên HĐQT là 34,6 tỷ đồng và 4 thành viên BKS là 9,999 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB có vốn hóa lớn và nằm trong rổ VN30 được nhiều nhà đầu tư ngoại, các quỹ ETF quan tâm (Ảnh minh họa).Như vậy, ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS là 51,7 tỷ đồng và thù lao là 44,6 tỷ đồng. Thù lao HĐQT và BKS của ACB là con số cực khủng khi so sánh với các ngân hàng có lợi nhuận sau thuế năm 2023 đứng trên ACB là Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank và Techcombank.
Đối với 3 ngân hàng có vốn của Nhà nước, thù lao HĐQT và BKS VietinBank ở mức 15,7 tỷ đồng; BIDV 26,5 tỷ đồng; Vietcombank 21,6 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng hàng này đều vượt trội so với ACB, lần lượt đạt 19.904 tỷ đồng, 21.505 tỷ đồng và 33.033 tỷ đồng.
MB và Techcombank có lợi nhuận sau thuế 21.054 tỷ đồng và 18.191 tỷ đồng nhưng thù lao của HĐQT và BKS chỉ ở mức 21,5 tỷ đồng và 36,7 tỷ đồng.
“Ém” thông tin chi tiết
Năm 2023, thù lao HĐQT và BKS ACB cao nhất, nhì trong giới ngân hàng. Thế nhưng ACB không công bố chi tiết thù lao của từng thành viên HĐQT và tiền lương của Tổng Giám đốc theo quy định.
Như vậy, nhà đầu tư, cổ đông cũng như nhân viên của ACB không biết con số cụ thể thù lao của ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT còn lại cũng như tiền lương của ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc.
Như vậy, ACB đã vi phạm khoản 2 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 27,5 triệu đồng với vi phạm như trên. Cụ thể, PGBank không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng Giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và năm 2023.
Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB (Ảnh: Vietnamnet).
Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh
ACB vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 10.491 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 48% kế hoạch năm.
ACB luôn tự hào là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống. Thế nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này tăng 0,27 điểm phần trăm từ mức 1,21% hồi đầu năm lên 1,48% vào thời điểm 30/6/2024.
Tổng nợ xấu của ACB tại thời điểm 30/6/2024 ở mức 8.123 tỷ đồng, tăng 2.236 tỷ đồng, tương đương 38% so với đầu năm.
Các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh như nợ dưới tiêu chuẩn tăng 36,9% (tương đương tăng 347 tỷ đồng) lên 1.288 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 24,9% (+261 tỷ đồng) lên 1.309 tỷ đồng và đáng chú ý nhất là nợ có khả năng mất vốn tăng đến 41,8% (+1.628 tỷ đồng) lên 5.526 tỷ đồng.
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978 tại Tiền Giang, hiện ông đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ông là con của doanh nhân Trần Mộng Hùng – một trong những người sáng lập và giữ chức Chủ tịch ACB trong thời gian dài, còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngân hàng.
Ông Huy tốt nghiệp cử nhân với 3 chuyên ngành bao gồm quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000. Năm 2002, ông tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ. Năm 2011, ông nhận học vị Tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận