Nền kinh tế đang phục hồi: Không nhanh, không chậm nhưng bền vững
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM) đánh giá tốc độ phục hồi hiện tại của kinh tế Việt Nam đang theo mô hình tuyến tính, không nhanh, không chậm, nhưng bền vững.
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam nếm trải không ít khó khăn dù cuối năm mở ra hy vọng khởi sắc từ những tín hiệu phục hồi. Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, đây thực sự là thách thức lớn khi vẫn còn đó những áp lực và rủi ro cần theo dõi thêm…
Vậy làm thế nào để kinh tế Việt Nam phục hồi ở mức độ tốt nhất. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM).
- Ông đánh giá như thế nào về tốc độ phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại?
-Hiện nay, nền kinh tế còn đối diện với những khó khăn nào từ trong nước và thế giới, thưa ông?
Thứ nhất, một tin không vui là FED vẫn giữ nguyên mức lãi suất cao nhất trong vòng 20 năm qua để tiếp tục mục tiêu kiểm soát lạm phát, và nhiều khả năng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào cho đến giữa năm 2024.
Điều này sẽ làm cho tình hình kinh tế thế giới vẫn sẽ ở trạng thái hồi phục chậm do lãi suất cao và các ngân hàng trung ương vẫn sẽ phải duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ giống như với FED để tránh dòng tiền chảy ra khỏi quốc gia hay các vấn đề về vĩ mô khác. Và nếu như sự phục hồi kinh tế thế giới chậm thì sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, việc kỳ vọng xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ trong năm nay sẽ khó khăn hơn rất nhiều trước diễn biến kinh tế thế giới hiện tại.
Bên cạnh đó, việc các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là ở tuyến đường hàng hải trên biển Đỏ cũng sẽ là một mối lo ngại lớn về thương mại toàn cầu cũng như ảnh hưởng đến giá dầu. Một cú sốc về phía cung có thể tiếp tục xảy ra nếu như các cuộc xung đột trở nên căng thẳng và vượt tầm kiểm soát.
Về các yếu tố vĩ mô trong nước, các lo ngại về rủi ro nợ xấu trong nền kinh tế, cũng như sức khỏe của các doanh nghiệp cũng dần tăng lên, nếu kinh tế không phục hồi tốt như dự báo thì gánh nặng về nợ nần sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng thương mại.
Thêm vào đó, sức cầu quốc tế yếu sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức cầu trong nước, khi động lực xuất khẩu bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động, dẫn đến người lao động sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu, và hệ quả là sức cầu lại yếu hơn và lại tiếp tục ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nền kinh tế…
Điều này tạo nên một vòng xoáy và có thể ảnh hưởng mạnh đến khả năng phục hồi của kinh tế trong nước.
-Ở trong nước, dù lãi suất đã hạ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn. Theo ông, nên gỡ nút thắt này như thế nào?
Theo tôi, tình trạng của Việt Nam hiện nay tương đồng với Mỹ và các nước châu Âu giai đoạn 2007-2009, khi đã giảm lãi suất về tiệm cận 0% nhưng vẫn không thể kích thích kinh tế tăng trưởng như mong muốn. Tức chính sách tiền tệ siêu lỏng và chạm ngưỡng chặn dưới của lãi suất.
Vấn đề của Việt Nam tương đối khác ở chỗ là một bộ phận doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vay vốn, và thậm chí chấp nhận mức lãi suất cao nhưng họ lại không đủ điều kiện để tiếp cận vốn. Việc gỡ nút thắt ở chỗ này rất khó vì nếu như chấp nhận cho vay dưới chuẩn thì rủi ro về nợ xấu của hệ thống lại tăng cao.
Ở phần này, có thể chúng ta cân nhắc thêm về việc đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp dựa trên dòng tiền và hợp đồng có được hơn là ở tài sản đảm bảo như hiện nay, thì có thể gỡ được phần nào nút thắt này.
Ở hướng thứ 2, một bộ phận lớn doanh nghiệp và người dân đủ điều kiện vay nhưng họ không có nhu cầu vay, bởi tâm lý vẫn là tiết kiệm hơn là tiêu dùng và đầu tư. Ở hướng này để kích thích tiêu dùng và đầu tư, chúng ta cần phải tác động đến lãi suất trong dài hạn hơn là lãi suất ngắn hạn như hiện tại như kinh nghiệm ở Mỹ năm 2007-2009. Tức tung ra các gói nới lỏng định lượng mua trái phiếu của các ngân hàng trong dài hạn với lãi suất thấp.
Như chúng ta biết, nhu cầu các khoản vay của người dân và doanh nghiệp đa số là vay dài hạn, nhưng ngân hàng đa số chỉ huy động vốn ngắn hạn từ tiền gửi tiết kiệm. Và theo quy định thì chỉ được dùng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Chính vì thế việc thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, các khoản vay dài hạn của ngân hàng thường là chỉ cố định lãi suất trong năm đầu, sau đó thả nổi theo thị trường. Điều này làm dấy lên lo ngại là lãi suất năm nay thấp nhưng năm sau lại tăng cao hơn và ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của doanh nghiệp và người dân.
Chính vì thế, nếu như Ngân hàng Nhà nước cung vốn dài hạn cho ngân hàng thông qua các gói nới lỏng định lượng, và ngân hàng sử dụng nguồn vốn này để tạo ra các sản phẩm cho vay dài hạn với lãi suất thấp cố định trong suốt chu kỳ vay, chắc chắn sẽ tạo nên bước đột phá trong chính sách và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư hơn ở thời điểm hiện tại.
Nếu như Ngân hàng Nhà nước cung vốn dài hạn cho ngân hàng thông qua các gói nới lỏng định lượng, và ngân hàng sử dụng nguồn vốn này để tạo ra các sản phẩm cho vay dài hạn với lãi suất thấp cố định trong suốt chu kỳ vay, chắc chắn sẽ tạo nên bước đột phá trong chính sách và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư hơn ở thời điểm hiện tại.
-Trong khi đó, với thị trường vốn, ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi của thị trường này? Làm thế nào để thị trường vốn thực sự là bệ đỡ cho cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
Thị trường vốn đang đi lên trong sự hoài nghi, khi mà VN-Index thời gian qua đang miệt mài tăng điểm với thanh khoản thấp.
Điều này cũng chưa thể nói lên nhiều điều trong dài hạn. Để thị trường vốn thực sự phát triển bền vững trong dài hạn, thiết nghĩ sẽ cần rất nhiều điều phải làm trong thời gian tới. Điều quan trọng nhất là tái cấu trúc thị trường theo hướng minh bạch hơn, an toàn hơn và thu hút được nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài hơn.
Đặc biệt là chúng ta phải nâng hạng được thị trường trong thời gian tới, chỉ khi thị trường được nâng hạng thì các quỹ lớn của thế giới mới bắt đầu thực sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc cung cấp và giáo dục cho các nhà đầu tư cá nhân các kiến thức về chứng khoán và phương pháp đầu tư cũng rất quan trọng, tránh việc đầu cơ, FOMO gây ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng bền vững của thị trường.
Ngoài ra, cũng phải tập trung để xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu, và đưa thị trường trái phiếu trở thành một kệnh huy động vốn trung và dài hạn chính của nền kinh tế.
- Đâu sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo?
Theo tôi, động lực chính vẫn sẽ là xuất khẩu, bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài. Và xuất khẩu sẽ đóng vai trò là động lực, là bệ đỡ chính.
Nếu như ví xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và đầu tư công là tam mã kéo cỗ xe kinh tế Việt Nam đi lên, thì đi đầu sẽ là xuất khẩu, khi xuất khẩu phục hồi thì nó sẽ tiếp thêm động lực cho tiêu dùng trong nước lẫn đầu tư công bức phá, và từ đó đưa nền kinh tế tăng trưởng theo.
- Ông có khuyến nghị như thế nào để có thể giữ vững được động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn?
Để đưa nền kinh tế trở về trạng thái toàn dụng trong dài hạn với thất nghiệp thấp và lạm phát thấp thì cần phải tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng hiện tại cả về tài khóa và tiền tệ. Bên cạnh đó là cần nghiên cứu tung ra các gói nới lỏng định lượng trong dài hạn như phân tích ở phần trên.
Việc nền kinh tế được khơi thông nguồn vốn dài hạn sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp tự tin hơn trong việc tiêu dùng và đầu tư, từ đó thúc đẩy tổng cầu và hỗ trợ cho việc tăng trưởng.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận