Nắng nóng, bóng đá giải 'cơn khát' lợi nhuận cho hai ông lớn ngành bia
Nắng nóng, kinh tế được cải thiện cộng hưởng với Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2024) đã giúp hai ông lớn ngành bia đạt tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý II.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) vừa trải qua quý II/2024 với kết quả kinh doanh ấn tượng khi doanh thu thuần tăng khoảng 11% so với cùng kỳ, lên 2.306 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là doanh thu cung cấp thành phẩm, hàng hóa, chiếm hơn 2.264 tỷ.
Trong kỳ, giá vốn tăng chậm hơn giúp lãi gộp của Habeco tăng mạnh 21% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, doanh thu tài chính kỳ này giảm 32% xuống 40 tỷ, chủ yếu do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay từ 56 tỷ trong cùng kỳ năm trước xuống 38 tỷ trong quý II năm nay.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Habeco đạt lợi nhuận trước thuế 221 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng, tương ứng giảm 4% và 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, nhưng đây là quý có kết quả kinh doanh khá quan trọng khi ông lớn Bia Hà Nội đã trải qua 3 quý lợi nhuận sụt giảm, đặc biệt quý I/2024 có lợi nhuận lỗ sâu nhất trong vòng 4 năm, lên đến hơn 21 tỷ đồng.
Mặc dù Habeco chưa công bố giải trình lợi nhuận, nhưng dễ dàng nhận ra, quý II vừa qua trùng với thời điểm nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè; đặc biệt, Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2024) diễn ra trong thời gian này có thể là yếu tố quan trọng giúp kết quả kinh doanh của Habeco hồi phục.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Habeco đạt 3.614 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 151 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, Bia Hà Nội đặt kế hoạch doanh thu đạt khoảng 6.543 tỷ đồng và lãi sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn mức thực hiện năm 2023. Với kết quả nửa đầu năm nay, công ty đã hoàn thành 75% mục tiêu lợi nhuận trên.
Kết phiên giao dịch ngày 6/8, cổ phiếu BHN đạt 38.000 đồng/cp.
Tương tự, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý II ấn tượng, với doanh thu thuần giảm gần 3% so với cùng kỳ còn 8.086 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.248 tỷ đồng, tăng gần 8%, cao nhất trong 7 quý.
Nguyên nhân khiến doanh thu trong quý II của Sabeco giảm, lợi nhuận lại cao là nhờ việc tiết giảm chi phí. Sabeco cho hay chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty trong quý này đồng loạt giảm.
Đáng chú ý, trong quý II/2024, Sabeco ghi nhận chi phí quảng cáo và khuyến mãi chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương ứng 1.031 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản này vẫn giảm 16% so với cùng kỳ, là yếu tố giúp Sabeco tăng trưởng mạnh lợi nhuận.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, Sabeco đạt 15.270 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 2.246 tỷ, tăng lần lượt 5% và gần 6% so với nửa đầu năm ngoái. Như vậy, sau nửa năm, ông lớn Bia Sài Gòn đã thực hiện được 44% chỉ tiêu doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trước đó, hồi đầu tháng 6, Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, Sabeco sẽ được cộng hưởng bởi cú hích từ loạt sự kiện thể thao như Giải vô địch bóng đá Châu Âu (Euro 2024) và Thế vận hội mùa hè.
Sabeco là công ty sản xuất bia với 26 công ty con và 18 công ty liên kết. Doanh nghiệp có 26 nhà máy bia trên cả nước với tổng công suất hàng năm là 2.400 triệu lít.
Năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 34.397 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.580 tỷ đồng.
Kết phiên giao dịch ngày 6/8, cổ phiếu SAB đạt 53.300 đồng/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường