Năm ‘thảm họa’ của VKC: Lỗ kỷ lục 237 tỷ, nợ gấp 67 lần vốn chủ, giải thể 4 chi nhánh
Công ty Cổ phần VKC Holdings (HNX: VKC) đã trải qua năm 2022 tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động khi vừa ghi nhận mức lỗ kỷ lục, vừa nhận án phạt 220 triệu đồng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phải đình chỉ các quyết định góp vốn lập công ty con, dừng việc mua lại cổ phần công ty khác và giải thể 4 chi nhánh.
VKC mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022. Theo báo cáo, quý IV/2022, doanh thu thuần của công ty đạt 7 tỷ đồng, giảm 96%; lợi nhuận gộp đạt 686 triệu đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.
Trong quý, các loại chi phí gia tăng khá mạnh: chi phí tài chính tăng 83% lên 12 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 16% lên 5,6 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính chỉ vỏn vẹn 205 triệu đồng.
Đã vậy, VKC còn phải gánh khoản lỗ khác lên tới 9,6 tỷ đồng. Kết quả là quý IV/2022, công ty lỗ trước thuế 29,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 1,6 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của VKC đạt 263 tỷ đồng, giảm 70% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 84%. Biên lợi nhuận gộp đạt 2,88%, giảm đáng kể so với cùng kỳ là 5,46%.
Mức lợi nhuận gộp còm cõi là không đủ để VKC trang trải cho các loại chi phí đã tăng mạnh mẽ trong năm 2022 (chi phí quản lý tăng 8,3 lần đạt 91 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 78% đạt 42 tỷ đồng, chi phí bán hàng 13,7 tỷ đồng), do vậy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 134 tỷ đồng.
VKC tiếp tục phải chịu khoản lỗ khác cực lớn, lên tới 103 tỷ đồng. Điều này đã khiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 âm tới 237 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty có lãi 3 tỷ đồng.
Đây là năm lỗ kỷ lục trong lịch sử của VKC.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VKC đạt 410 tỷ đồng, giảm 39% so với đầu năm. Chất lượng tài sản khá xấu khi 63% tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn (259 tỷ đồng), trong đó đáng chú ý là sự tăng lên mạnh mẽ của khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (tăng 2.350 lần, đạt 68 tỷ đồng). Trong khi đó, hàng tồn kho có sự suy giảm mạnh, giảm 82%, còn 28 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của VKC tại ngày kết thúc quý IV/2022 đạt 404 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Nợ vay chiếm tỷ trọng lớn nhất (38%), đạt 254 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của VKC đã rơi tự do trong năm, đến 31/12/2022 chỉ còn 6 tỷ đồng, giảm 97% so với đầu năm. Với vốn chủ mỏng manh này, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 67 lần – một con số “khủng khiếp”.
Trước đó, ngày 1/12/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định phạt tiền 150 triệu đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định số 156/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với VKC.
Nguyên nhân là công ty đã có hành vi công bố thông tin sai lệch đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tại báo cáo tài chính bán niên năm 2022 công bố ngày 20/7/2022 trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tại báo cáo tài chính này là lỗ 24.647.180.127 đồng, là sai lệch so với số liệu chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét công bố ngày 16/8/2022 trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là lỗ 191.141.274.394 đồng. UBCKNN đã đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả cho VKC là buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin theo quy định.
Đồng thời, VKC bị phạt tiền 70 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể, công ty công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu: giải trình lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo bị lỗ, chuyển từ lãi ở báo cáo cùng kỳ năm trước sang lỗ ở kỳ này (đối với báo cáo tài chính quý II/2020), báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2022 (ký ngày 15/8/2022), giải trình ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán về báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2022, giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 có sự chênh lệch trước và sau soát xét từ 5% trở lên.
Như vậy, tổng phạt mà VKC phải nộp cho cơ quan nhà nước là 220 triệu đồng.
Sau án phạt, VKC đã thông qua việc dừng phương án góp vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Vật liệu xây dựng và nội thất Vĩnh Khánh, Công ty TNHH Vĩnh Khánh Plastic và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Vĩnh Khánh. Đồng thời, VKC cũng quyết định dừng phương án mua lại cổ phần Công ty Cổ phần Lốp xe Vĩnh Khánh.
Ngoài ra, VKC cũng giải thể 4 chi nhánh gồm chi nhánh Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), chi nhánh TP. HCM (TP. HCM), chi nhánh quận 8 TP. HCM (TP. HCM) và chi nhánh Đà Nẵng (Đà Nẵng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận