Mỹ hút gần 1/3 dòng vốn đầu tư toàn cầu sau Covid-19
Theo một phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà hãng tin Bloomberg có được, kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, Mỹ đã thu hút khoảng 1/3 dòng vốn đầu tư trên toàn cầu. Trước đại dịch, tỷ trọng bình quân của Mỹ chỉ là khoảng 18%.
Việc lãi suất ở Mỹ thời gian qua tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là một nguyên nhân lớn giúp nước này thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Mỹ cũng thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khổng lồ nhờ các chính sách hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra nhằm thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo và sản xuất con chip.
Xu hướng này đánh dấu sự thay đổi lớn so với thời kỳ trước đại dịch dòng vốn trên thế giới được rót mạnh vào các thị trường mới nổi và tăng trưởng nhanh như Trung Quốc. Ngược lại với Mỹ, vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm một nửa kể từ khi xảy ra đại dịch.
"GÃ KHỔNG LỒ" THU HÚT MỌI SỰ CHÚ Ý
“Dòng vốn FDI vào Trung Quốc và Mỹ đã thay đổi đáng kể so với những năm trước đại dịch Covid-19”, ông Stephen Jen, CEO công ty dịch vụ đầu tư Eurizon SLJ Capital (Anh), nhận xét. “Xu hướng mới của dòng vốn này chỉ có thể thay đổi khi các chính sách ở hai quốc gia thay đổi”.
Theo dữ liệu của IMF, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng lượng vốn xuyên biên giới gộp (gross cross-border capital) là 3% trong giai đoạn 2021-2023, giảm từ mức khoảng 7% trong thập kỷ trước năm 2019.
Những số liệu này cho thấy lý do Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đẩy mạnh các biện pháp nhằm thu hút nhà đầu tư quốc tế trở lại. Dù vậy, dữ liệu kinh tế tháng 4 cho thấy FDI vào Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp. Và trong bối cảnh lãi suất ở Trung Quốc đang ở các mức thấp nhất trong thời hiện đại, vốn đầu tư trong nước Trung Quốc đang chảy ra nước ngoài. Trong tháng 4, doanh nghiệp Trung QUốc mua lượng ngoại tệ lớn nhất kể từ năm 2016.
Ngược lại, nền kinh tế Mỹ đang ngày càng hút vốn mạnh. Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ. Còn dữ liệu từ IMF cho thấy dòng vốn chảy vào Mỹ trong giai đoạn 2021-2023 chiếm khoảng 1,5% GDP của nước này.
Với các thị trường mới nổi cần vốn đầu tư nước ngoài để theo kịp các nền kinh tế phát triển, tình hình không mấy khả quan. IMF cho biết những năm gần đây, các nền kinh tế mới nổi chứng kiến vốn vốn chảy ra ròng, lần thứ hai kể từ năm 2000. Năm ngoái, FDI gộp vào các thị trường mới nổi chỉ chiếm khoảng 1,5% GDP – mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ này.
“Gã khổng lồ Mỹ đã thu hút mọi sự chú ý”, nhà kinh tế Jonathan Fortun của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) – tổ chức theo dõi dòng vốn toàn cầu – nhận xét. “Mỹ đã hút gần như kiệt dòng vốn chảy vào một số thị trường mới nổi”.
Vốn đầu tư vào Mỹ gồm nhiều dự án nhận được ưu đãi từ các sáng kiến kinh tế của chính quyền Biden. Đơn cử là dự án xây dựng nhà máy con chip với tổng mức đầu tư 6,4 tỷ USD tại bang Texas của công ty Hàn Quốc Samsung Electronics Co. Đây là một phần của kế hoạch đầu tư hơn 44 tỷ USD.
LỢI THẾ HÚT ĐẦU TƯ KHÔNG KÉO DÀI MÃI MÃI
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích xu hướng trên có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào cục diện cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump từng cam kết sẽ đảo ngược nhiều chính sách quan trọng của chính quyền Biden nếu ông đắc cử năm nay.
Cuộc bầu cử với nhiều yếu tố bất định như thuế, thuế quan và căng thẳng địa chính trị gia tăng là những vấn đề hàng đầu khiến giới đầu tư quốc tế lo lắng.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất trong năm nay và như vậy lợi thế hút vốn đầu tư của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không kéo dài mãi mãi. Điều này có thể làm giảm sức hút với nhà đầu tư với các tài sản ở Mỹ.
Nợ công Mỹ gia tăng cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo rằng Mỹ có thể đang tiến tới bờ vực khủng hoảng tài khóa. Điều này có thể ảnh hưởng tới những nhân tố chính đang giúp Mỹ thu hút nhà đầu tư, bao gồm vị thế là một tài sản đầu tư an toàn của trái phiếu chính phủ Mỹ và thâm hụt tài khóa – theo ông Alexis Crow, người đứng đầu mảng đầu tư địa chính trị tại PWC.
“Trên hết là những lo lắng về kết quả bầu cử ở Mỹ, các quy định pháp luật và vai trò của các tổ chức chính phủ”, ông Grace Fan của TS Lombard nhận định. “Từ góc độ thể chế, một câu hỏi lớn là các chính sách dành cho cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước ở Mỹ liệu có được duy trì trong nhiệm kỳ tổng thống mới hay không. Đây là nền tảng để duy trì niềm tin của nhà đầu tư vào các tài sản Mỹ trong bối cảnh xu hướng giảm Đôla hóa đang được thúc đẩy trên thế giới”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường