Mùa đại hội dở dang của nhiều ông lớn bất động sản, xây dựng
Mùa ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã đi qua gần hết chặng đường nhưng không ít ông lớn ngành bất động sản, xây dựng vẫn chưa thể tổ chức thành công.
Trong bối cảnh ngành bất động sản, xây dựng gặp nhiều biến cố, doanh nghiệp kinh doanh ảm đạm, sa sút khiến cổ phiếu ngành mất đi sức hút trong mắt nhà đầu tư. Hầu hết doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm nay bất thành đều là những đơn vị đang có những vấn đề nội tại, sức ảnh hưởng cũng như uy tín ban lãnh đạo suy giảm…
Theo khoản 2 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, ĐHĐCĐ họp thường niên mỗi năm một lần trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, HĐQT quyết định gia hạn họp ĐHĐCĐ thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Chủ tịch gửi tâm thư, tặng tiền cổ đông đi họp
Có tới hơn 64.9 ngàn cổ đông nhưng đại hội thường niên của ông lớn bất động sản Vũng Tàu, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG), đã không thể tổ chức thành công trong lần đầu vào ngày 28/06.
So với năm trước, số lượng cổ đông tham dự là hơn 530 người, gần gấp đôi, thế nhưng tỷ lệ tham dự chỉ đạt hơn 38% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, không đủ tỷ lệ tổ chức.
Trước đó, ngày 20/06, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT DIG đã có “tâm thư” kêu gọi cổ đông trực tiếp tham dự, tham gia góp ý, thảo luận các vấn đề trình đại hội và để đủ điều kiện tiến hành theo quy định.
Kết quả, tỷ lệ cổ đông tham dự quá thấp, trái ngược với kế hoạch năm nay DIG đề ra với mục tiêu doanh thu hợp nhất và lợi nhuận kỷ lục. Trong đó, doanh thu 4,000 tỷ đồng, tăng 98% và lợi nhuận trước thuế 1,400 tỷ đồng, tăng đến 604% so với năm 2022. Tỷ lệ cổ tức năm 2023 dự kiến từ 8 - 15%. Vốn điều lệ 6,500 - 7,000 tỷ đồng.
DIG dự kiến ngày 21/07 sắp tới sẽ tổ chức ĐHĐCĐ lần 2 tại Vũng Tàu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) đã phải “dùng chiêu” tặng tiền cho cổ đông đến dự đại hội. Thế nhưng tỷ lệ cổ đông tham dự trong lần ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 1 của CII đạt chưa đầy 46% và đại hội không thể diễn ra.
Tâm điểm của ĐHĐCĐ CII là kế hoạch phát hành hai gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng giá trị gần 4,500 tỷ đồng.
Giải thích với cổ đông về tỷ lệ tham dự đạt chưa được 50%, Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Hoàng cho hay: nhóm cổ đông nước ngoài sở hữu 16 triệu cp CII, cùng các quỹ ETF hầu hết đã không tham dự đại hội.
Một tháng sau, ngày 24/05, đại hội lần 2 của CII thành công với sự góp mặt của 107 cổ đông, chiếm tỷ lệ 40.46% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Cổ đông thông qua mục tiêu tổng doanh thu 5,155 tỷ đồng và lãi ròng 469 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 50% so với kết quả 2022.
Tương tự, Đầu tư NBB (HOSE: NBB) cũng phải đến lần tổ chức thứ 2 ĐHĐCĐ thường niên 2023 mới diễn ra suôn sẻ. Trong lần 1, chỉ có 46.07% tổng số cp có quyền biểu quyết tham dự đại hội. Chủ tịch HĐQT Lưu Hải Ca chia sẻ, rất mong muốn đại hội lần đầu thành công bởi Công ty còn rất nhiều việc phải thực hiện với thời gian gấp rút, trong đó có các dự án trọng điểm về pháp lý đang hoàn chỉnh, dự kiến trong quý 2.
Tính đến cuối tháng 3, NBB có 7,677 cổ đông, thế nhưng chỉ có 9 cổ đông đến dự ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 1. Với việc tổ chức thành công trong lần 2, đại hội NBB đã thông qua việc hủy chào bán hơn 50 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 15,000 đồng/cp, bên cạnh kế hoạch doanh thu 800 tỷ đồng và lãi sau thuế 20.5 tỷ đồng.
Ngày cuối cùng tháng 6, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) bất thành do số cổ đông đại diện họp là 290 cổ đông, chỉ đạt 35.42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tính đến cuối năm 2022, CEO có số lượng cổ đông là 46,869. Trong đó, có 1 cổ đông lớn là ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT CEO, sở hữu 70.5 triệu cp (27.4%). Với số lượng cổ đông quá lớn và pha loãng là lý do chính khiến CEO không đạt tỷ lệ tổ chức.
Ông Bình cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ĐHĐCĐ của CEO không đủ điều kiện tiến hành.
Năm 2023, CEO lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 3,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 315 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 2% so với kết quả 2022.
Hai cổ phiếu DIG và CEO từng dậy sóng một thời. Với các nhà đầu tư, thời điểm cuối năm 2021, hai cổ phiếu trên là không thể thiếu trong danh mục đầu tư và được bàn tán rôm rả trên các hội nhóm, môi giới trên thị trường chứng khoán.
DIG, trong giai đoạn tháng 10/2021 đến 01/2022, giá cổ phiếu tăng gần 4 lần chỉ sau 3 tháng. Còn CEO, ở giai đoạn 11/2021 - 01/2022, tăng trưởng đột biến gần 8 lần chỉ sau vỏn vẹn 2 tháng trước khi có sự điều chỉnh mạnh từ sau đó đến nay.
Doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ lần 2 vẫn bất thành
Sau 2 lần tổ chức, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) vẫn bất thành khi tỷ lệ tham dự chỉ đạt 22.5% (lần 1) và 16.26% (lần 2). Công ty lên kế hoạch tổ chức lần 3 vào ngày 25/07 bằng hình thức trực tuyến.
Đây cũng không phải điều xa lạ gì với LDG khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 cũng phải qua ba lần tổ chức mới thành công.
Trước đại hội, đã có 4/7 thành viên HĐQT hiện tại của LDG nộp đơn xin từ nhiệm, gồm ông Trịnh Quốc Nam, ông Lê Văn Vũ, ông Ngô Ngọc Huyên và ông Louis Nguyễn.
Thời gian gần đây, LDG đối mặt với vô vàn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền. Gần đây nhất liên quan tới sai phạm “xây chui” dự án khu dân cư Tân Thịnh.
Bên cạnh đó, kiểm toán cho biết, sau thời điểm kết thúc niên độ 31/12/2022, LDG phát sinh việc chậm thanh toán lãi lô trái phiếu LDGH2123002 với số tiền hơn 5.29 tỷ đồng.
Ngoài ra, với việc cổ phiếu giảm sâu khiến lãnh đạo LDG phải liên tục bán cổ phiếu, trong đó, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Minh Khang đã thoái sạch vốn LDG từ ngày 26/05 - 06/06, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng cũng bị bán giải chấp gần 5 triệu cp và không còn là cổ đông lớn tại LDG.
Năm nay, LDG muốn lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 220 triệu cp với giá không thấp hơn 10,000 đồng/cp và 12.8 triệu cp ESOP. Công ty dự kiến năm nay doanh thu thuần 1,448 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.9 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 bất thành khi chỉ có 27 cổ đông dự, tỷ lệ đạt chưa đầy 16% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội TDH bất thành trong bối cảnh doanh nghiệp đang dính vụ án hình sự liên quan đến hoạt động xuất khẩu kinh doanh linh kiện điện tử giai đoạn 2017 - 2019. ĐHĐCĐ thường niên 2022, TDH tổ chức thành công ngay lần đầu với 30 người tham dự trực tuyến, đại diện cho hơn 56.8 triệu cp, chiếm tỷ lệ 50.49%.
Hiện TDH chưa ra thông báo thời gian tổ chức đại hội lần 2. Theo tài liệu, TDH đặt mục tiêu năm 2023 với doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt 440 tỷ đồng và hơn 88 tỷ đồng, gấp gần 3 lần và 18 lần năm trước.
ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (HOSE: CKG) bất thành lần 1 vào ngày 30/06 khi chỉ đạt 26.7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
CKG mới đây gửi thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 2 vào ngày 26/07 tại tỉnh Kiên Giang. Năm 2023, CKG đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt ở mức 1,324 tỷ đồng và 175 tỷ đồng, tương ứng tăng 1.3% và tăng 3.3% so với năm 2022. Ngoài ra, Công ty còn có phương án phát hành 48 triệu cp trả cổ tức cũng như phát hành cho cổ đông hiện hữu.
“Câu giờ” để chờ đủ tỷ lệ
Chiều 27/06, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) những tưởng bất thành khi qua hơn một nửa thời gian bắt đầu mà tỷ lệ cổ đông đến dự vẫn chưa đạt đủ.
So với mọi năm, số lượng cổ đông đến đại hội nhiều hơn, ban tổ chức phải kê thêm ghế ra ngoài phòng họp để đáp ứng chỗ ngồi cho cổ đông, nhưng tỷ lệ tham dự vẫn rất thấp.
Theo chương trình HBC công bố trước đó, đại hội bắt đầu khai mạc từ 14h và kết thúc lúc 17h. Thế nhưng trên thực tế, ban lãnh đạo Công ty đã phải lên “câu giờ” nhiều lần bằng các bài phát biểu và chia sẻ tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đến 15h50, tức quá nửa thời gian cho chương trình đại hội, ban tổ chức mới chốt được tỷ lệ cổ đông tham dự với số lượng sát nút 50.49% từ 608 cổ đông tham dự. Và đại hội HBC năm nay diễn ra tới hơn 19h mới hoàn tất.
Tuy nhiên không “uổng phí” cho cổ đông tham dự khi tại đại hội này xuất hiện nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng như ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons (HOSE: CTD), ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Xây dựng CENTRAL… Đây là những lãnh đạo đại diện cho liên danh Hoa Lư đang trong quá trình tham gia gói thầu thi công nhà ga sân bay Long Thành sắp tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận