Mua bán NFT hình ảnh doanh nhân, người nổi tiếng: Khoảng trống pháp lý và rủi ro
Hàng loạt tài sản số sử dụng công nghệ blockchain (NFT) hình ảnh của doanh nhân, người nổi tiếng đang được sản xuất, rao bán trên sàn.
NFT người nổi tiếng lên sàn
Ngày 6/4, trên Sàn giao dịch Opensea, tài khoản Nguyenngocthiennb đã rao bán NFT (Non-Fungible Token) hình ảnh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh (vừa bị khởi tố, bắt giam ngày 5/4) với giá bán 13 Ethereum (tương đương 43.431 USD). Bên cạnh đó, các NFT khác về ông Dũng cũng được rao bán với mức giá 0,49 đến 10 Ethereum.
Từ đầu tháng 4/2022, NFT hình tỷ phú Phạm Nhật Vượng của tác giả Telecom_AI được rao bán với giá 0,32 Ethereum, tương đương 1.113,47 USD. Bức tranh NFT của tác giả hatranthanh vẽ lại tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên nền Tạp chí Forbes có giá 0,029 Ethereum (100,91 USD). Bức tranh NFT ông Phạm Nhật Vượng thứ ba được rao bán là của tác giả 21guns với giá 1 Ethererum, tương ứng 3.479,6 USD.
Cuối tháng 3/2022, hình ảnh NFT của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC được đăng trên OpenSea. Có 80 NFT ông Trịnh Văn Quyết được rao bán với giá từ 0,1-5 Ethereum (từ 8 triệu đến gần 400 triệu đồng). Trong đó, ảnh có giá cao nhất lên tới 5 ETH, tương đương gần 17.000 USD. Thế nhưng, hiện chỉ có duy nhất NFT “MR.Trinh Van Quyet #0000” là có người mua. NFT “MR.Trinh Van Quyet #0000” có tổng cộng 10.000 bản, được tạo ra bởi tài khoản 683563E7015 và nằm trong bộ sưu tập Mr. Trinh Van Quyet Collection.
Hiện có 66 người đang sở hữu NFT “MR.Trinh Van Quyet #0000”. Đây cũng là NFT rẻ nhất trong các loại NFT về tỷ phú Trịnh Văn Quyết với mức giá bán ra chỉ 120.000 đồng. Đối với các NFT khác về ông Trịnh Văn Quyết có giá bán cao hơn, Opensea hiện không ghi nhận bất kỳ giao dịch nào.
Còn NFT về bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Đại Nam được rao với giá bán 0,1-5 ETH (khoảng 340 - 17.000 USD), nhưng chưa có ai trả giá. Trên thực tế, loạt hình NFT bà Phương Hằng đã xuất hiện cách đây khoảng 3 tháng trên nền tảng giao dịch Opensea. Tiếp đó là hình NFT của nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Hiền Hồ với mẫu mã và giá bán đa dạng cũng xuất hiện trên nền tảng này.
Khoảng trống pháp lý và rủi ro
Nhận xét về trào lưu rao bán NFT doanh nhân, người nổi tiếng, ông Phạm Toàn Thắng, Nhà sáng lập nền tảng NFT Cổng Trời cho rằng, đây là hành động trục lợi ăn theo người nổi tiếng và có thể coi là một hành vi vi phạm bản quyền khi sử dụng hình ảnh của người khác để thu lợi mà chưa được chủ thể cho phép.
Theo phân tích của ông Thắng, khi sử dụng bản quyền hình ảnh người khác để thu lợi, cần phải được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền. Tuy nhiên, những người bị lợi dụng cũng rất khó để khởi kiện việc dùng hình ảnh trái phép tạo ra NFT, bán trên sàn giao dịch Opensea vì chưa thể xác minh danh tính. Các hình ảnh NFT nói trên chỉ xuất hiện trên sàn giao dịch quốc tế chưa có quy định về xác thực danh tính (KYC), rất khó xác định đối tượng trục lợi để kiện.
Còn theo ông Phan Đức Nhật, chuyên gia về tài sản số, nhìn vào các NFT nêu trên, rất dễ nhận ra trào lưu lợi dụng tên tuổi người nổi tiếng để trục lợi, mà không phải là tạo giá trị cho người mua sở hữu NFT. Phần lớn các hình ảnh gắn NFT trên không có nguồn gốc rõ ràng, được tải về từ Internet, sau đó đưa lên Opensea, đợi người mua để kiếm lời.
Theo ông Lưu Minh Sang (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM), NFT về cơ bản là một tệp siêu dữ liệu gắn với một tác phẩm được bảo hộ bản quyền hoặc không. Trong trường hợp tác phẩm có bản quyền, khi NFT được bán đi, nếu không có thỏa thuận gì thêm, bản quyền vẫn thuộc về tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm cả các quyền nhân thân (đặt tên, đứng tên, công bố, bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm) và các quyền tài sản (sao chép, phân phối, làm tác phẩm phái sinh...).
“Một vi phạm rất phổ biến hiện nay đến từ việc tạo ra NFT một cách dễ dàng thông qua các nền tảng. Trong rất nhiều trường hợp, người dùng đã tự ý tạo ra NFT từ các tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu. Hành vi này về bản chất giống như đăng tải phim lên các website phim lậu, chép lại các bức tranh của người khác, rồi đem bán, in sách lậu và bán, livestream lậu các trận bóng đá, các bài hát mà chưa được cho phép”, ông Sang nhận xét.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể nào đối với các tài sản mã hóa nói chung và NFT nói riêng. Các giao dịch NFT hiện không được coi là giao dịch chuyển nhượng tài sản, nên chưa thể đánh thuế vào phần lợi tức phát sinh của nhà đầu tư.
“Như các loại tiền ảo, NFT vẫn chưa được kiểm soát và chưa được phân loại là loại tài sản nào theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bất cứ ai cũng có thể tạo ra và bán tài sản NFT, không có gì đảm bảo cho giá trị của nó. Trong một thị trường có quá nhiều người tham gia sử dụng biệt danh, nạn lừa đảo cũng là một nguy cơ lớn. Do vậy, loại hình này cần có sự quản lý của các cơ quan chức năng”, luật sư Hà khuyến cáo.
Cho đến nay, dù đang phát triển tại Việt Nam và được coi là một loại tài sản kỹ thuật số đối với nhiều người, nhưng NFT chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và quy định trong các văn bản luật. Chính vì vậy, việc mua bán, giao dịch NFT luôn ẩn chứa rủi ro lớn cho người mua, cần có sự hiểu biết và thận trọng trước khi có khung khổ pháp lý chính thức.
Theo số liệu thống kê, khối lượng giao dịch của thị trường NFT đạt ít nhất 44,2 tỷ USD trong năm 2021, trong khi con số của năm 2020 chỉ khoảng 106,5 triệu USD và năm 2019 là 15,2 triệu USD.
Danh mục NFT mang tính chất sưu tầm có giá trị lớn như Bức tranh ghép ảnh Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple giá 69 triệu USD, hay bức The Merge của họa sĩ Pak giá 91,8 triệu USD…
NFT trò chơi của Axie Infinity đứng thứ hai, đạt doanh thu 5,2 tỷ USD. NFT về metaverse như đất ảo và các dự án tương tự cũng có tổng giá trị 514 triệu USD
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận