MSB liên tục gọi vốn từ kênh trái phiếu cho thấy “năng lực” sa sút?
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đã phải phát hành trái phiếu riêng lẻ 3 đợt, thu về tổng số tiền 3.700 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài, hạn bằng đồng Việt Nam.
Bao lần MSB kêu gọi vốn từ kênh trái phiếu?
Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB) do doanh nhân Trần Anh Tuấn là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã phát hành trái phiếu riêng lẻ 3 đợt, thu về tổng số tiền 3.700 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị MSB ông Trần Anh Tuấn (bên phải) và ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB. (Ảnh: MSB).
Cụ thể, ngày 18 và 19/5 MSB đã phát hành lượng lớn trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải trả nợ thứ cấp của tổ chức tín dụng, có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 4.00%/năm, kỳ hạn lãi 12 tháng/lần.
Với tổng 2.700 trái phiếu riêng lẻ đã phát hành trong hai ngày, MSB thu về từ kênh này số tiền 2.700 tỷ đồng.
Tiếp đó là ngày 11/8/2021, MSB phát hành thêm lô 1.000 trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải trả nợ thứ cấp của tổ chức tín dụng, có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 3,7%/năm, kỳ hạn lãi 12 tháng/lần.
Trong lần phát hành này, MSB đã thu được về số tiền 1.000 tỷ đồng.
Theo thông tin công bố, mục đích của cả 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của MSB là để tăng quy mô vốn hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài, hạn bằng đồng Việt Nam.
Các lần phát hành trái phiếu của MSB dường như thành công với số lượng đặt mua là 100%. Thế nhưng nhà băng này lại không công bố chi tiết nhà đầu tư, chỉ nêu chung chung là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán đặt lệnh mua hết lượng trái phiếu.
Động cơ là gì?
Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của MSB đạt hơn 183 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ tài sản sinh lời trên tổng tài sản của MSB cũng chỉ đạt 87% dù ghi nhận tăng trưởng tín dụng nóng. Trong khi, khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng của MSB là 1.367 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng của MSB tăng mạnh, vượt trần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, khiến nhà băng này phải đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room tín dụng.
Đặc biệt, MSB cũng khẩn trương tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối đến 31/12/2020, nhằm đáp ứng điều kiện xét duyệt nới room tín dụng.
Theo công bố của MSB, chỉ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng khiêm tốn ở mức 11,64%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (từ 12% đến 13%).
Tuy nhiên, với việc MSB phải liên tục gọi vốn từ kênh trái phiếu, khiến dư luận thắc mắc có phải dư địa tăng trưởng tín dụng của MSB đang “vơi dần”?
Các chuyên gia tài chính đánh giá, tốc độ tăng tổng tài sản thấp, trong khi tốc độ tăng trưởng cho vay lại cao hơn hẳn tốc độ tăng tài sản. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản và tất nhiên dư địa để tăng trưởng tín dụng cũng “vơi dần” khi tài sản không theo kịp tốc độ cho vay.
Bức tranh toàn cảnh "sức khỏe" ngân hàng MSB
Theo báo cáo tài chính mới nhất quý 2/2021, thu nhập lãi thuần của MSB đạt 1.477 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động trong quý 2/2021 của nhà băng này đạt 3.295 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động cũng tăng mạnh 62,5% lên 1.082 tỷ đồng. Chi phí dự phòng giảm 41% xuống 241 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 1.972 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 3.119 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của MSB đạt 183.124 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 15% lên 91.381 tỷ đồng, các khoản phải thu tăng 5% lên 14.061 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6/2021, nợ xấu của MSB đã tăng nhanh, nằm trong top các ngân hàng có chỉ số tăng nợ xấu cao nhất trong nhóm 28 ngân hàng thương mại. Theo đó, số dư nợ xấu của MSB đã tăng 18,4% sau 6 tháng lên 1.845 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,96% lên 2,02%.
Tuy nhiên, nợ xấu thực tế của MSB mở rộng hơn khi nhìn ở các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Chẳng hạn khoản gán nợ 38 tàu biển đã cũ từ lâu, với tổng giá trị nhận gán nợ là 3.940 tỷ đồng (1 tàu bị chìm năm 2017, 2 tàu đã được bán vào năm 2018), nhưng đến nay MSB vẫn chưa có phương án chi tiết cụ thể để thu hồi số tiền này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận