Một số vụ việc vi phạm chứng khoán không đại diện cho toàn bộ thị trường
Theo Bộ Tài chính, việc xử lý một số vụ việc vi phạm chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp gần đây không đại diện cho toàn bộ thị trường mà nhằm mục tiêu phát triển thị trường vốn an toàn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư.
“Về tổng thể việc xử lý các vi phạm không làm thu hẹp thị trường và mục tiêu phát triển thị trường vốn, TTCK của Đảng và Nhà nước, không ngăn cản hoặc tạo thêm rào cản trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Nhà đầu tư chịu áp lực tâm lý nặng nề dù kinh tế Việt Nam khởi sắc
Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết - FLC, Đỗ Anh Dũng - Tân Hoàng Minh bị bắt và mới nhất là ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Louis Holdings và Đỗ Đức Nam - Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt cũng bị bắt với cáo buộc thao túng TTCK, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng: “Những hoảng loạn của nhà đầu tư trên TTCK là do cách chúng ta phản ứng với nó”.
Theo hồ sơ của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, ông Nhân đã thông đồng với ông Nam và những người có liên quan sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán để mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán trong giai đoạn từ ngày 4/1/2021 đến 6/10/2021. Mục đích để thao túng giá cổ phiếu Công ty CP Louis Capital (TGG) và Công ty CP Louis Land (BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật.
Năm 2021, nghi vấn "thổi giá" nhóm cổ phiếu “họ Louis” đã rộ lên trên thị trường khi chỉ sau một thời gian ngắn, các mã này đều tăng giá bất thường. Đơn cử, nếu như vào tháng 7/2021, mã TGG bắt đầu bước vào giai đoạn tăng phi mã từ vùng 5.000 đồng lên 12.000 đồng/cổ phiếu thì sau khoảng 2 tháng, TGG đã chạm đỉnh gần 77.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 22/9/2021. Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã đưa cổ phiếu này từ diện cảnh báo vào diện kiểm soát do xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư….
Thế nhưng, thay vì đặt niềm tin vào TTCK Việt Nam vẫn đang được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố tích cực của nền kinh tế, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã hoảng loạn, bán tháo không ngừng dù nhiều chuyên gia chứng khoán khuyến nghị hạn chế bán tháo. Bởi còn bán tháo là còn phá đáy! Chứng khoán lao dốc do niềm tin của nhiều nhà đầu tư suy giảm vì liên tiếp một số doanh nhân bị bắt; sự kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản hay thông tin tiêu cực về các doanh nghiệp lớn cũng đang lan truyền.
Tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Chứng khoán Việt cũng đang phải đối mặt với tình hình vĩ mô không có nhiều hỗ trợ tích cực như xung đột giữa Nga và Ukraina làm gián đoạn nguồn cung về một số loại hàng hóa cơ bản, đẩy nguy cơ lạm phát lên cao. Tại Mỹ, lạm phát tháng 3/2022 đã lên tới 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cao sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Một số chuyên gia dự báo Fed sẽ còn tăng lãi suất thêm 6 lần trong năm 2022. Ngoài ra, tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại một số nơi ở Trung Quốc, lệnh phong tỏa ở Thượng Hải cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhà đầu tư nên tạm ngưng bán tháo nếu danh mục không ở mức rủi ro cao và chờ nhịp hồi phục của thị trường. Các nhà đầu tư cần bình tĩnh, tránh đầu tư theo các tin đồn mà cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp để đưa ra quyết định.
Trong những chuỗi ngày dài qua, chứng khoán Việt Nam vẫn lao dốc. Từ “hiệu ứng” việc bắt giam ông Đỗ Thành Nhân, VN-Index lại khép lại ngày 21/4 biến động mạnh bằng cú giảm sâu cuối phiên. Chỉ số mất hơn 14 điểm, xuống 1.370 điểm và kéo dài mạch giảm phiên thứ 6 liên tiếp. TTCK đã giảm 9 trong số 10 phiên gần nhất và VN-Index "bốc hơi" 150 điểm. Tuy nhiên so với ngày 20/4, thanh khoản thị trường đạt 23.787 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng. Đây được xem là điểm sáng hiếm hoi khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài gom hàng. Nhóm này giải ngân gần 2.400 tỷ đồng trong khi bán ra 1.460 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp của khối ngoại.
TS Lê Xuân Nghĩa nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: Trong lúc này, các nhà đầu tư phải có sự thấu hiểu về thông tin nhất định. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. “Tâm lý bán tháo của nhà đầu tư cá nhân khá đang mạnh mẽ và lo ngại nếu đà rơi tiếp tục thêm 10 - 15% thì hiện tượng bán giải chấp sẽ xuất hiện”, ông Nguyễn Duy Thanh Phương - Giám đốc kinh doanh Yuanta Việt Nam cho biết.
Theo Yuanta Việt Nam, TTCK đã vào vùng quá bán trong ngắn hạn, cộng với định giá thị trường đang rất rẻ so với tăng trưởng EPS của doanh nghiệp trong năm 2022 là cơ hội tốt để mua tích lũy dần với tầm nhìn trên một năm. TTCK vẫn tiếp tục được yểm trợ bởi dòng vốn trong nước. Những số liệu về tài khoản chứng khoán mở mới gần đây cho thấy, nhiều người dân lựa chọn chứng khoán là một kênh đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam đang được cân nhắc nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging) trong tháng 9, cũng là một điểm sáng đáng kỳ vọng
Theo Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 4,72% của cùng kỳ năm 2021 và 3,66% cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trước dịch COVID-19.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2021 ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2022 ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý I của các năm 2018 - 2022, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Tiếp tục phát triển, đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư
“Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý; tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững; triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch, thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa.
Một giải pháp nữa được Bộ Tài chính đưa ra là đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số mới nhằm phục vụ triển khai sản phẩm mới cho thị trường phái sinh; thực hiện phân mảng thị trường theo nguyên tắc không làm xáo trộn, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục và ổn định của thị trường. "Tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân", báo cáo Bộ Tài chính nêu.
Trong quý I/2022, TTCK Việt Nam vẫn được Bộ Tài chính nhìn nhận là phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên xu hướng chốt lời cùng với tác động của một số thông tin bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán và tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới khiến TTCK Việt Nam sụt giảm. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 vẫn tiếp tục tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước. Về quy mô giao dịch TTCK Việt Nam hiện đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan.
Để hỗ trợ TTCK phát triển lành mạnh, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất: Trước hết các cơ quan quản lý cần tập trung vào chức năng giám sát và xử lý vi phạm. Nếu phát hiện với những bất thường trên thị trường thì cần cảnh báo nhà đầu tư và "uốn nắn" doanh nghiệp ngay lập tức để tạo niềm tin cho thị trường; cần có cơ chế bình ổn thị trường như nhiều quốc gia trên thế giới. TS Lê Xuân Nghĩa đã lấy dẫn chứng từ câu chuyện của Trung Quốc về vụ việc Evergreen khủng hoảng. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc lập tức tiếp nhận giao địa phương tiếp tục triển khai dự án để đảm bảo lợi ích cho người dân. Còn ở Việt Nam, thị trường lại rơi vào tình trạng “chứng khoán giảm không ai mua, khi tăng không ai bán”.
Theo các chuyên gia của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, việc điều tra, xử lý những vi phạm trên TTCK tuy có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là đối với các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ tăng nóng, nhưng sẽ là yếu tố tích cực cho sự phát triển của TTCK trong dài hạn. Việc xử phạt nghiêm minh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. VinaCapital kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực hơn trong những tháng còn lại năm 2022 bởi triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam và của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường luôn vượt qua khó khăn để tăng lên những mức cao mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận