Mekong Capital bị giả mạo tên tuổi để kêu gọi đầu tư tiền
Mekong Capital đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ một số cá nhân, thậm chí đến tận văn phòng ở Hà Nội và đòi rút lại tiền đầu tư.
Tổng giám đốc Mekong Capital Nguyễn Thị Minh Giang ngày hôm qua đã lên tiếng về việc công ty bị giả mạo tên tuổi để kêu gọi người dân đóng góp đầu tư tiền.
Cụ thể, ngày 8/7/2022, Mekong Capital đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ một số cá nhân, thậm chí đến tận văn phòng ở Hà Nội và đòi rút lại tiền đầu tư.
Theo thông tin từ phía công ty nhận được, một ứng dụng tên là EuroCapital (ECC) đã sử dụng trái phép hình ảnh, logo, website và địa chỉ văn phòng của Mekong Capital để kêu gọi người dân đóng góp đầu tư tiền. Nếu đầu tư 1 triệu đồng, sẽ nhận lãi 300.000 đồng, nếu đầu tư 50 triệu đồng, thu nhập là 15 triệu đồng. Sau khi chuyển khoản vào một tài khoản thì người dùng sẽ gửi hình ảnh xác nhận chuyển tiền lên nhóm Zalo có tên là "Hội viên MKS". Sau đó, họ được hướng dẫn liên hệ đến văn phòng của Mekong Capital nếu như muốn khiếu nại hay rút tiền đầu tư.
Bà Giang khẳng định Mekong Capital không liên quan đến bất kỳ tổ chức nào, cũng như không có bất kỳ hoạt động gây quỹ nào từ trong nước. Bất kỳ thông tin nào, các dự án nào lấy danh nghĩa Mekong Capital để gây quỹ.. mà thông qua tất cả các kênh như Facebook, Zalo, LinkedIn, v.v đều là thông tin sai sự thật.
Theo bà Giang, hiện nhóm Zalo có tên "Hội viên MKS" đã có 132 thành viên và số tiền mọi người bị lừa khá lớn. Nhận thấy đây là trường hợp giả mạo, cố ý sử dụng hình ảnh và thương hiệu Mekong Capital để lừa đảo, Tổng giám đốc Mekong Capital cảnh cáo người dân nếu nhận được những tin nhắn quảng cáo, lời mời đầu tư từ các ứng dụng sử dụng tên gọi, logo, hình ảnh, Website hay văn phòng của Mekong Capital, thì hãy tránh xa hoặc nhanh chóng báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ bản thân, gia đình để tránh bị lừa đáng tiếc.
Thành lập năm 2001, Mekong Capital là công ty có bề dày thành tích đầu tư vốn cổ phần tư nhân Việt Nam. Các quỹ của Mekong Capital đã hoàn tất 42 khoản đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết, trong đó có 27 khoản thoái vốn hoàn toàn. Mekong Capital đã tư vấn quản lý 5 quỹ, hai trong số đó đang hoạt động.
Các công ty đã và đang thuộc danh mục đầu tư của Mekong Capital đều nằm trong số những công ty phát triển nhanh nhất và dẫn đầu thị trường trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam như bán lẻ, nhà hàng, hàng tiêu dùng, phân phối và giáo dục như Thế Giới Di Động, Golden Gate, Masan Consumer, Traphaco, Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận, ICP, Trường Quốc Tế Việt-Úc, F88, Pharmacity, YOLA, Pizza 4P’s, Vua Nệm, ABA Cooltrans và Nhất Tín Logistics v.v.
Quỹ MEF IV của Mekong Capital ra mắt vào năm 2021 với vốn cam kết 246 triệu đô la Mỹ, cao hơn gấp đôi quỹ Mekong Enterprise Fund III trước đó.
MEF IV sẽ tiếp tục chiến lược thành công của Mekong Capital trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, tập trung vào các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng đang tăng trưởng tốt nhờ vào sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và việc ứng dụng các phương thức kinh doanh hiện đại. Theo đó, Quỹ sẽ đặc biệt tập trung vào các ngành bán lẻ, giáo dục, nhà hàng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và chăm sóc sức khỏe.
MEF IV sẽ hoạt động trong 10 năm và dự kiến thực hiện tổng cộng 12 khoản đầu tư. Tính đến ngày 9/5/2022, MEF IV đã công bố đầu tư vào 7 công ty, bao gồm Marou, Mutosi, Tập Đoàn HSV, LiveSpo Global, Rever, Gene Solutions và Entobel.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường