Mátxcơva: Việc áp giá trần dầu Nga mâu thuẫn với quy tắc của WTO
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ không bán dầu ở mức giá trần 60 đô la/thùng mà Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia G7 vừa thống nhất.
EU đã thống nhất áp giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 đô la/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường, Hội đồng châu Âu thông báo hôm 3/12. Cùng lúc đó, các quốc gia G7 và Úc cũng ra thông báo sẽ từ chối xử lý dầu Nga nếu được bán với giá trên mức trần.
Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia tham gia làn sóng áp giá trần. Quyết định này được Phó Thủ tướng Novak nhắc lại hôm 4/12 trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-24.
“Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi trên cơ chế thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng”, ông Novak nói.
Quan chức Nga dự đoán giá trần sẽ “làm mất ổn định” thị trường toàn cầu, và việc này mâu thuẫn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông cho biết Nga đang “nghiên cứu các biện pháp” để đối phó.
Mặc dù việc cắt giảm sản lượng sẽ làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng mức giá trần sẽ không mang lại tác động đáng kể trong thời gian ngắn hạn do dầu của Nga hiện đang giao dịch ở mức 64 đô la/thùng, chỉ cao hơn 4 đô la so với giá trần.
Hơn nữa, việc Nga quyết định không cung cấp dầu cho các quốc gia áp giá trần sẽ khiến người tiêu dùng ở những quốc gia này phải mua dầu với mức giá cao hơn.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Chính sách Kinh tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Ivan Abramov, nói với Sputnik hôm 3/12 rằng việc đưa ra mức giá trần đối với dầu Nga sẽ dẫn đến sự gia tăng của giá nhiên liệu trên toàn thế giới. “Hậu quả của quyết định như vậy là rõ ràng: Nó sẽ dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và sự gia tăng phi mã của giá nhiên liệu trên toàn cầu”, ông Abramov nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường