Lý thuyết hộp Darvas (Kỳ 2)
Nếu đã quá quen thuộc với câu “mua đáy, bán đỉnh”, thì bây giờ, nhà giao dịch sẽ được tiếp cận với phương thức giao dịch khác là “mua đỉnh, bán đỉnh cao hơn” của lý thuyết hộp Darvas.
Lý thuyết hộp Darvas trong thực tế
Lý thuyết hộp Darvas khuyến khích các nhà giao dịch tập trung vào các ngành tăng trưởng, nghĩa là các ngành mà giới đầu tư kỳ vọng sẽ vượt trội so với thị trường chung. Khi phát triển hệ thống, Darvas đã chọn một số cổ phiếu tiểu biểu từ các ngành này và theo dõi chúng hàng ngày. Trong khi theo dõi các cổ phiếu này, Darvas đã sử dụng khối lượng giao dịch như là dấu hiệu chính cho biết liệu một cổ phiếu đã sẵn sàng bứt phá hay chưa.
Khi Darvas nhận thấy khối lượng bất thường, anh ấy đã tạo hộp Darvas. Bên trong hộp, mức thấp nhất của cổ phiếu trong khoảng thời gian nhất định (được xác định trước bởi nhà phân tích) đại diện cho mức sàn và mức cao nhất tạo ra mức trần.
Khi cổ phiếu vượt qua mức trần của hộp hiện tại, Darvas sẽ mua cổ phiếu và sử dụng mức trần của hộp vừa bị phá vỡ làm điểm dừng lỗ cho vị thế. Khi nhiều hộp bị phá vỡ hơn, Darvas sẽ thêm vào giao dịch và chuyển lệnh cắt lỗ lên trên. Giao dịch nói chung sẽ kết thúc khi lệnh cắt lỗ được kích hoạt.
Ứng dụng vào thị trường Việt Nam
Khi cổ phiếu đang trong một xu hướng tăng, giá của nó sẽ không tăng liên tục và đột ngột mà nó sẽ test lại những mức giá thấp hơn và dao động lên xuống khá ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, giống như động tác cúi đầu của những vũ công để chuẩn bị cho những cú bật nhảy.
Trong ví dụ dưới đây của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB), giá đang vào giai đoạn tăng trưởng từ năm 2020-2021. Chúng ta có thể thấy vùng giá mà cổ phiếu dao động lên xuống tạo thành các hộp Darvas. Khi giá phá vỡ giới hạn trên của chiếc hộp này, nó sẽ đi vào phạm vi giao dịch của một chiếc hộp mới, ở một mức tăng mới. Ngược lại, nếu giá phá vỡ giới hạn dưới của chiếc hộp, nó sẽ đảo chiều xu hướng.
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Một điểm vào đẹp là khi giá cổ phiếu không còn duy trì dao động trong vùng hộp đã xác định trước và bắt đầu phá vỡ vùng kháng cự trên (breakout) đi kèm với khối lượng giao dịch tăng mạnh để xác định giai đoạn kế tiếp đang hình thành.
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Đôi lúc, thị trường cũng sẽ có những phiên breakout giả (False Breakout) khiến ta lầm tưởng việc giá cổ phiếu đã bắt đầu hình thành hộp Darvas mới. Đối với những nhà đầu tư thận trọng, họ có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tham gia vào thị trường khi giá có xu hướng test lại “nóc hộp” trước đó. Nhìn vào hình bên dưới, sau khi phá vỡ ngưỡng trên của hộp Darvas thì ngay lập tức vùng này sẽ trở thành hỗ trợ trong giai đoạn kế tiếp. Nhưng cũng có lúc, giá cổ phiếu có thể sẽ tăng mạnh mà không cần điều chỉnh khiến nhà đầu tư có thể đánh mất cơ hội có điểm vào tốt.
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Quá trình mua lặp lại cho đến khi giá cổ phiếu bắt đầu vi phạm vào vùng cắt lỗ và từ đây cũng chấm dứt giai đoạn tăng giá của cổ phiếu.
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận