Lương nhân viên ngân hàng ACB có ở mức 'bét bảng'?
Theo tính toán dựa trên quỹ lương, mỗi nhân sự tại ACB nhận mức lương 12,6 triệu đồng/tháng, tuy nhiên còn có thêm khoản chi khác, thậm chí cao hơn lương chính.
Thời gian trước, lương của nhân viên Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thường xuyên lọt vào Top 10 trong hệ thống các ngân hàng trả lương cao nhất với mức thù lao trên dưới 25 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, gần đây, ACB thay đổi cơ cấu lương nên mức lương tại ACB lao dốc xuống “bét bảng”.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 3/2020 của công ty mẹ ACB, tại thời điểm cuối quý, riêng ngân hàng ACB có 10.791 người. Trong kỳ, ACB dành 1.224 tỷ đồng cho lương và phụ cấp. Như vậy, trung bình mỗi người lao động được trả 12,6 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, nhân viên tại các công ty con dù có thù lao cao hơn nhưng vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với đồng nghiệp tại các ngân hàng khác. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, ngày 30/9/2020, toàn hệ thống ACB có 11.142 người. ACB dành 1.306 tỷ đồng cho lương và phụ cấp. Bình quân, mỗi người lao động được trả 13 triệu đồng/người/tháng.
So với ngành ngân hàng, những con số 12,6 triệu đồng và 13 triệu đồng/người/tháng là mức thù lao vào loại thấp nhất.
Tuy nhiên, theo ACB, trên thực tế, thu nhập của nhân sự ACB không thấp như vậy. Gần đây, ngân hàng này đã thay đổi cách tính lương. Theo đó, ngoài chi lương và phụ cấp, người lao động còn có thêm khoản chi khác, thậm chí còn cao hơn lương chính.
Cụ thể, trong khi ACB chỉ dành 1.224 tỷ đồng cho lương và phụ cấp thì khoản chi khác tại ngân hàng mẹ lên tới 1.594 tỷ đồng. Như vậy, khoản thực lĩnh của người lao động phải là 2.818 tỷ đồng. Trung bình mỗi nhân viên nhận 29 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, khoản chi khác tại các công ty con là 1.598 tỷ đồng. Số tiền thực tế người lao động toàn hệ thống ABC nhận được là 2.904 tỷ đồng. Bình quân, mỗi nhân viên nhận 28,9 triệu đồng/người/tháng.
Trong kỳ, dù phải thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19, ngân hàng ACB vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh về lợi nhuận.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 của toàn hệ thống ACB đạt 2.075 tỷ đồng, tăng 526 tỷ đồng, tương đương 34% so với quý 3/2019; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 5.133 tỷ đồng, tăng 685 tỷ đồng, tương đương 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh khi đa số các hoạt động chính của ACB đều báo lãi lớn. Thu nhập lãi thuần đạt 3.6335 tỷ đồng, tăng 612 tỷ đồng, tương đương 20,2% so với quý 3 năm ngoái, lũy kế 9 tháng đầu năm tăng từ 8.783 tỷ đồng lên 10.166 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng từ 142 tỷ đồng lên 192 tỷ đồng, từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng từ 12 tỷ đồng lên 38 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ và ngoại hối đi lùi nhưng lãi thuần đã bù đắp được đà tăng trưởng âm này.
Điều đáng nói, lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 của ACB tăng mạnh dù nợ xấu của ngân hàng đi lên khiến ACB phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 3, tổng nợ xấu tại ACB là 2.479 tỷ đồng, chiếm 0,84%. Trong khi đó, hồi đầu năm, các con số này lần lượt là 1.449 tỷ đồng và 0,54%.
Như vậy, nợ xấu có tốc độ tăng trưởng 71%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Sau 9 tháng, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại ACB đạt 295.209 tỷ đồng, tăng 10,6%. Nợ xấu tăng nhanh nên trong quý 3/2020, ACB phải dành 162 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 96 tỷ đồng, tương đương 145% so với quý 3/2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận