Long Giang thoát lỗ nhờ đâu?
Dù sở hữu chuỗi dự án Rivera Park khắp các thành phố lớn trên cả nước, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (HOSE: LGL) những năm gần đây lại có kết quả kinh doanh tụt dốc, 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận chủ yếu đến từ việc thoái vốn công ty con.
Kết quả kinh doanh của LGL từ năm 2012 đến nay (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Trải qua hơn 1 thập niên hoạt động, trừ năm 2013 kinh doanh thua lỗ, LGL đã liên tục báo lãi, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2017 - 2019. Tuy nhiên, sau đó, LGL có dấu hiệu “hụt hơi” khi lợi nhuận liên tục lao dốc những năm gần đây.
Đáng chú ý, năm 2020 và 2021, trong bối cảnh doanh thu thuần mang về rất thấp, xấp xỉ trước thời kỳ “bùng nổ” 2017, thì doanh thu tài chính và lợi nhuận khác của Công ty lại tăng đột biến, cao nhất trong vòng 10 năm.
Thắng nhờ doanh thu tài chính, lợi nhuận khác
Cụ thể, đối với năm 2020, LGL có khoản lợi nhuận khác gần 110 tỷ đồng (năm 2019 chỉ 4 tỷ đồng), trong đó 108 tỷ đồng đến từ doanh thu chuyển nhượng phần vốn góp của dự án Việt Hưng (tên thương mại là Rivera Premier Hà Nội hoặc Rivera Premier Long Biên) - dự án đã bị LGL bỏ hoang gần 10 năm. Trước khi ghi nhuận khoản lợi nhuận này, LGL lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 91 tỷ đồng, do đó thương vụ đã giúp Công ty thoát lỗ ngoạn mục.
Năm 2021, LGL có doanh thu tài chính gần 117 tỷ đồng (trong khi năm 2019 chỉ 8 tỷ đồng), phần lớn trong đó là lãi chuyển nhượng công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác của LGL (hơn 113 tỷ đồng). Được biết, HĐQT LGL năm 2021 đã thông qua hàng loạt quyết định chuyển nhượng tại các tổ chức có liên quan như CTCP Xây dựng Công nghiệp Descon, CTCP Đầu tư Phát triển đô thị Vạn Xuân, CTCP Đầu tư Bất động sản - May thêu Việt Hưng, CTCP Kỹ thuật và Xây dựng Long Giang (Long Giang E&C). Trong đó, thương vụ chuyển nhượng Công ty Vạn Xuân và Long Giang E&C đã hoàn tất trong năm 2021 với giá trị lần lượt gần 11 tỷ đồng và 91.2 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm, LGL cũng đã thoái sạch vốn tại CTCP Rivera Hà Nội, thu về hơn 36 tỷ đồng.
Các khoản phải thu phình to trong khi tổng tải sản thu hẹp
Quy mô tài sản của LGL ngày càng thu hẹp kể từ khi đạt đỉnh vào cuối năm 2018 (2.4 ngàn tỷ đồng). Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của Công ty đạt hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, tương đương giảm 35% so với cuối năm 2018.
Trái ngược với sự thay đổi của tổng tài sản, các khoản phải thu của LGL lại có xu hướng tăng những năm gần đây và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản.
Sự gia tăng các khoản phải thu của LGL trong 10 năm qua
Nguồn: VietstockFinance
Bên cạnh các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, LGL còn có nhiều khoản phải thu về cho vay ngắn hạn đối với nhiều cá nhân và đơn vị có liên quan. Một số người nội bộ có thể kể đến như Long Giang E&C (hơn 4.7 tỷ đồng), Thành viên HĐQT (hơn 2.6 tỷ đồng), Thành viên Ban Tổng giám đốc (hơn 5.2 tỷ đồng).
Trước đó, tại báo cáo soát xét bán niên, Thành viên HĐQT và Ban Tổng giám đốc được đề cập đã vay ngắn hạn lần lượt là ông Mai Thanh Phương và ông Nguyễn Mạnh Hà.
Phải thu cho vay ngắn hạn của LGL tại 30/09/2022
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 của LGL
Tại ngày 30/09/2022, tổng phải thu cho vay ngắn hạn của LGL là 67.5 tỷ đồng, trong đó vay có tài sản đảm bảo là 55.5 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo là 12 tỷ đồng.
Theo đó, đối với nhóm vay có tài sản đảm bảo, khoản vay của ông Mai Thanh Phương và bà Nguyễn Thị Huế đều được bảo đảm bằng cổ phiếu Long Giang E&C.
Cụ thể, khoản vay của ông Phương được đảm bảo bằng 404,000 cp Long Giang E&C thuộc sở hữu của ông Nguyễn Bình Khiêm. Còn khoản vay của bà Huế cũng được đảm bảo bằng 343,000 cp của Long Giang E&C cũng thuộc sở hữu của ông Nguyễn Bình Khiêm nhưng kèm theo đó là 1.5 triệu cp Long Giang E&C thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Phượng Mây.
Đáng lưu ý là khoản vay 35 tỷ đồng, được ký kết vào ngày 14/12/2021 của bà Huế có thời hạn 5 tháng, nhưng đến ngày 30/09/2022, tức quá hạn thanh toán đã lâu, dư nợ vẫn còn hơn 40 tỷ đồng.
Một khoản vay khác cũng đáng chú ý trong nhóm có tài sản đảm bảo là khoản vay của Tổng Giám đốc LGL Nguyễn Mạnh Hà. Theo đó, ông Hà đã dùng 250,000 cp của CTCP Thương mại Dịch vụ Nghĩa Đô thuộc sở hữu của LGL để vay ngược lại Công ty Nghĩa Đô hơn 5.2 tỷ đồng.
Trong khi đó ở nhóm còn lại, LGL đã cho CTCP Tập đoàn Long Giang và CTCP Xây dựng Long Giang vay không có tài sản đảm bảo. Một cá nhân tên Nguyễn Thị Thu Hương cũng được LGL cho vay tín chấp hơn 5 tỷ đồng. Đáng lưu ý, đây cũng là tên của Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Phòng Cung ứng và Đấu thầu An Gia Group, đối tác của CTCP Xây dựng Nền móng Long Giang - công ty cùng hệ sinh thái với LGL.
Những giao dịch chuyển nhượng cổ phần cho người nhà?
9 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, LGL ghi nhận doanh thu đạt hơn 101 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, tuy nhiên lãi gộp lại đi lùi hơn 14%, với hơn 8 tỷ đồng. Không những thế, các chi phí kinh doanh không được tiết giảm mạnh. Dù vậy, nhờ ghi nhận đến 46 tỷ đồng doanh thu tài chính, LGL lãi ròng hơn 4 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Kết quả này có phần giống tình hình kinh doanh trong năm 2020 của LGL.
Tháng 5 và tháng 6 năm nay, HĐQT LGL thông qua chuyển nhượng 17.94 triệu cp CTCP Minh Phát (tương ứng tỷ lệ sở hữu 65%) và toàn bộ 20.8 triệu CTCP Xây dựng Hạ Long (tương ứng tỷ lệ sở hữu 40%) với giá hơn 16,394 đồng/cp. Đây lần lượt là công ty con và công ty liên kết của LGL. Theo công bố gần đây, LGL đã hoàn tất thoái vốn tại Minh Phát vào ngày 09/11/2022, qua đó Minh Phát chính thức không còn là công ty con của LGL.
Ghi nhận trong BCTC soát xét 6 tháng đầu năm, 20.8 triệu cp Xây dựng Hạ Long đã được LGL xác định người mua là ông Nguyễn Hải Duy, tổng giá chuyển nhượng là 341 tỷ đồng. Bên mua đã 2 lần đặt cọc với tổng số tiền 35 tỷ đồng, tiến độ cọc đợt 3 là 20 tỷ đồng, thanh toán đợt 1 là 136 tỷ đồng và đợt 2 là 150 tỷ đồng (chậm nhất đến ngày 24/12/2022). Dù đang trong quá trình chuyển nhượng, toàn bộ 20.8 triệu cp Xây dựng Hạ Long vẫn đang được LGL sử dụng để bảo đảm cho 150,000 trái phiếu phát hành trong năm 2020 của CTCP Đầu tư Rivera (Rivera Invest).
Đối với việc chuyển nhượng Minh Phát, các báo cáo cho biết LGL đã chuyển nhượng 6.9 triệu cp với giá 120.75 tỷ đồng, mang về khoản lãi 39 tỷ đồng vào doanh thu tài chính cho kết quả kinh doanh của LGL trong 9 tháng đầu năm, phần còn lại có thể sẽ được thể hiện trong BCTC quý 4/2022 của Công ty. Được biết, đối tượng nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Phan.
Nguyễn Phan cũng là tên của một cá nhân đang đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT tại Rivera Invest - công ty liên kết của LGL; đồng thời cá nhân này còn là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Long Giang E&C.
LGL, Rivera Invest, Long Giang E&C đều nằm trong hệ sinh thái của CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang (Long Giang Group) do ông Lê Hà Giang làm Chủ tịch.
Ngoài ra, trong một số văn bản quyết định của LGL cũng nhiều lần xuất hiện cái tên Nguyễn Phan như Quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban quản lý dự án Cái Khế - Cần Thơ đối với ông Nguyễn Phan vào tháng 03/2015 hay Quyết định thành lập tiểu ban nhân sự trực thuộc HĐQT LGL vào tháng 4/2019.
Nguồn: LGL
Năm 2018, LGL chào bán gần 15.6 triệu cp, kết quả cho thấy người được phân phối có ông Nguyễn Phan với gần 1.5 triệu cp. Cũng trong năm này, LGL có khoản phải thu ngắn hạn khác 76.5 tỷ đồng từ việc cho ông Phan vay. Song song đó, LGL có khoản phải trả khác 5 tỷ đồng đối với ông Phan.
Ông Nguyễn Phan, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Long Giang E&C, Thành viên HĐQT Rivera Invest.
Bên cạnh việc chuyển nhượng cổ phần tại hai công ty nêu trên, LGL còn có nhiều thương vụ chuyển nhượng các công ty liên quan khác.
Tại ngày 30/09/2022, khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng cho thấy LGL đã chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đồng Nai cho CTCP Tập đoàn Bách Việt từ ngày 28/09/2020 với tổng giá trị hơn 40.4 tỷ đồng. Thời hạn thanh toán là 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Phía Công ty Bách Việt đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng và còn nợ hơn 19 tỷ đồng đến nay. LGL cũng đã lập dự phòng cho khoản nợ này.
Cuối tháng 12/2021, LGL chuyển nhượng 4.8 triệu cp của Long Giang E&C cho các cá nhân gồm bà Nguyễn Thị Thanh Hà (1.8 triệu cp), ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1.5 triệu cp) và bà Nguyễn Thị Phượng Mây (1.5 triệu cp). Tổng giá trị chuyển nhượng là 91.2 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/09/2022, bên mua vẫn còn phải thanh toán gần 49 tỷ đồng. Theo hợp đồng thì số tiền này sẽ được thanh toán chậm nhất vào ngày 31/12/2022.
Diễn biến cổ phiếu LGL từ đầu năm đến nay trong xu hướng giảm. So với đỉnh lịch sử 15,150 đồng/cp vào ngày 07/01/2022, giá cổ phiếu LGL đã liên tục lao dốc và hiện chỉ còn 3,180 đồng/cp vào cuối phiên sáng 29/11/2022, tương ứng giảm hơn 79%.
Không chỉ thị giá, thanh khoản của LGL cũng giảm đáng kể, từ bình quân 520,575 cp/phiên trong nửa cuối năm 2021 xuống còn 268,113 cp/phiên tính từ đầu năm 2022 đến hết cuối tháng 11.
Diễn biến giá cổ phiếu LGL từ năm 2021 đến hết phiên 29/11
Nguồn: VietstockFinance
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận