Lợi nhuận “ông lớn” BOT giảm 55% vì bất đồng quan điểm với kiểm toán
Dù dịch Covid-19 được xác định diễn biến phức tạp nhưng “ông lớn” BOT là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) vẫn khá tự tin khi dự báo trong điều kiện tích cực, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp (DN) năm 2020 vẫn tăng lần lượt 61% và 68% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 6.600 tỷ đồng và 1.608 tỷ đồng…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 vừa được CII công bố, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 522,8 tỷ đồng, giảm 55% so với con số 1.208 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm 2019 do công ty tự lập.
Giảm lãi do… “bất đồng quan điểm”
Lí giải về việc lãi giảm mạnh, văn bản giải trình chênh lệch trên BCTC hợp nhất kiểm toán 2019 dẫn lời ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho rằng công ty bắt buộc phải thực hiện một số bút toán điều chỉnh làm giảm doanh thu và tăng chi phí.
Cụ thể, sau khi ký hợp đồng, xác nhận giá bán và các thủ tục hành chính kết thúc vào đầu năm 2020 (trước thời điểm báo cáo phát hành) cùng với việc khách hàng đã đặt cọc không hoàn lại và dòng tiền về CII đã diễn ra vào năm 2019 nên CII đã ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên, theo quan điểm của đơn vị kiểm toán, các doanh thu này phải được hạch toán vào năm 2020.
Ngoài ra, lãi ròng hậu kiểm toán giảm còn do một số nguyên nhân như: Kiểm toán tính phân bổ thêm chi phí phát hành trái phiếu, trích trước lãi trái phiếu chưa đến hạn, tăng chi phí khấu hao do thay đổi thời gian thu phí cầu đường, trích lập các quĩ dự phòng…
Trong văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở GDCK TP.HCM, CII cho biết: "Trong quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán độc lập, đã có nhiều khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và CII liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí."
Trước tình huống nói trên, CII cho biết công ty có hai phương án lựa chọn. Thứ nhất là chấp nhận cho đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, nghĩa là CII giữ nguyên quan điểm phát sinh năm nào thì hạch toán năm đó.
Trong trường hợp kiểm toán có ý kiến ngoại trừ sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với CII và cổ đông. Cổ phiếu CII có khả năng cao sẽ bị xếp vào diện cảnh báo và không được phép giao dịch kí quĩ theo qui định. Theo đó, các tổ chức tài chính, tín dụng sẽ rất thận trọng trong việc tài trợ vốn cho CII và các dự án của công ty. Đồng thời, các cổ đông, đặc biệt là quĩ đầu tư nước ngoài sẽ bán tháo cổ phiếu CII trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Ở phương án thứ hai, CII chấp nhận điều chỉnh BCTC theo ý kiến của kiểm toán viên, điều này dẫn đến chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán.
CII cho biết về mặt bản chất, nếu tính cho một vòng đời là hai năm thì tổng doanh thu và tổng chi phí ghi nhận trong hai năm (2019 và 2020) không thay đổi, nếu đã ghi nhận trong năm 2019 thì sẽ không ghi nhận trong năm 2020 và ngược lại.
"Việc CII chấp nhận điều chỉnh BCTC theo ý kiến kiểm toán thì kiểm toán sẽ không có ý kiến ngoại trừ, tạo sự ổn định đối với hoạt động của CII và quí cổ đông", văn bản của CII nêu rõ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CII đang giao dịch ở mức giá 18.400 đồng/CP. Tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, CII đã “bốc hơi” khoảng 30%, từ cùng giá 26.000 đồng/CP về vùng giá 18.000 -19.000 đồng/CP như thời điểm hiện tại.
“Thấp thỏm” với hàng tồn kho
Việc CII “đá bóng” cho nhà đầu tư qua hai phương án, tất nhiên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị giá của mã cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư, việc giá cổ phiếu CII trong thời gian qua giảm mạnh một phần đến từ những rủi ro khó lường khi giá trị hàng tồn kho của DN này đang tăng vọt vào cuối năm 2019.
Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2019, hàng tồn kho của CII với giá trị 5.738 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5,8 lần so với đầu năm.
Hàng tồn kho của CII chủ yếu nằm tại công ty con, trong báo cáo tài chính hợp nhất của CII chủ yếu nằm tại các dự án bất động sản dở dang của DN này. Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án Khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside với giá trị hàng tồn kho hơn 1.633 tỷ đồng. Đây là dự án do CII góp 80% vốn, có tổng mức đầu tư 1.960 tỷ đồng. Dự án nằm ngay Q.1, TP.HCM với quy mô gồm 2 tòa nhà cao 30 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là 130.693 m2, 1.708 căn hộ.
Ngoài ra, hàng tồn kho của CII còn nằm rải rác ở nhiều dự án bất động sản dở dang khác như Khu nhà ở chung cư lô 3.15, Khu căn hộ cao cấp NBB Garden II, NBB Garden III, Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, Khu biệt thự Đồi Thủy sản Quảng Ninh, Khu du lịch De Lagi…
Giá trị hàng tồn kho lớn, CII đứng trước cơ hội thu hàng ngàn tỷ đồng tiền bán hàng trong năm 2020, khi các dự án trên hoàn thành và bung hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường BĐS khó khăn, ngân hàng “siết” tín dụng BĐS… thì khi dự án chậm hoàn thành hoặc việc bán hàng không thuận lợi, DN chắc chắn sẽ mắc kẹt vốn, đẩy gánh nặng lớn lên chi phí tài chính khi không thể quay vòng vốn hiệu quả.
Chưa rõ CII có các giải pháp nào để ứng phó với dịch Covid-19, nhưng “ông lớn” BOT này vẫn mục tiêu tăng trưởng khá tích cực với tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 vẫn tăng lần lượt 61% và 68% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 6.600 tỷ đồng và 1.608 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận