Lợi nhuận chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tăng gần gấp đôi
CII, chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Xa lộ Hà Nội, lãi hơn 96 tỷ đồng trong quý III, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) có hơn 732 tỷ đồng doanh thu. Do hụt bớt hoạt động kinh doanh bất động sản so với cùng kỳ, tổng doanh thu giảm hơn 66%.
Nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 53%, đồng thời tiết giảm được chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, CII lãi hơn 96 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo cho biết lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh các dự án BOT và lợi nhuận chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính đã đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh.
Lũy kế 9 tháng, CII ghi nhận hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu và hơn 210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Cả hai cùng giảm lần lượt 40% và 75% so với cùng kỳ năm trước. Công ty hoàn thành hơn một nửa kế hoạch cả năm.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đi lùi chủ yếu do hụt đi doanh thu bất động sản. Trong khi đó, hoạt động thu phí giao thông vẫn ổn định. Doanh thu mảng này trong 9 tháng đạt gần 1.095 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. Trung bình mỗi ngày có 4 tỷ đồng từ thu phí giao thông.
Mới đây, công ty con CII B&R đã được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước để nắm giữ 89% cổ phần tại dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tăng từ mức 50% trước đó. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận của dự án này sẽ được hợp nhất vào kết quả kinh doanh CII. Dự án này đang có doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương trên 910 tỷ đồng một năm và vẫn còn lộ trình tăng phí thời gian tới.
Trong phiên họp bất thường hồi giữa tháng 10, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CII, nói kết quả kinh doanh quý III và cả năm 2023 của công ty sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do không thể tăng mức phí thu tại các dự án BOT theo kế hoạch và vướng mắc pháp lý tại các dự án bất động sản chưa có phương án giải quyết.
Doanh nghiệp này đang tập trung tái cơ cấu tài chính khi tỷ lệ đòn bẩy luôn ở mức cao suốt nhiều năm qua. Đến cuối tháng 9, tổng nợ phải trả của CII hơn 18.000 tỷ đồng, giảm 11% nhưng vẫn vượt 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm gần 12.900 tỷ đồng.
Trước mắt, CII đang từng bước phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Nếu thành công, cơ cấu vốn của công ty sẽ chuyển từ nợ vay sang vốn chủ sở hữu. Lãnh đạo doanh nghiệp nói tiền thu được từ các dự án sẽ trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả trái tức cho cổ đông và trái chủ, thay vì mang trả ngân hàng như trước đây.
Ngoài ra, công ty cũng làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước như Vietcombank, VPBank, Vietinbank, GuarantCo để bổ sung các khoản tín dụng mới. Thời hạn các khoản sẽ dài hơn, bằng thời gian vận hành thu phí của các dự án BOT. CII cũng tiến hành điều phối dòng tiền ròng thu hồi từ các dự án để đảm bảo sức khỏe tài chính hợp lý hơn trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận