24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lỗ thêm 93 triệu USD năm 2022, kế hoạch IPO của Tiki bị ảnh hưởng ra sao?

Sau khi được Shinhan rót 90 triệu USD, Tiki có thể hoạt động thêm 3 năm mà không cần gọi thêm vốn. Trước sự cạnh tranh của Shopee, Lazada và TikTok Shop, khó khăn vẫn ở phía trước dù Tiki có muốn IPO hay không.

Tính đến cuối tháng 3/2022, Tiki có khoảng 187 triệu USD tiền và các khoản tương đương tiền được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán, tờ Tech in Asia trích dẫn hồ sơ pháp lý của Tiki Global Pte. Ltd - công ty mẹ sở hữu 90,5% cổ phần CTCP Ti Ki - cho biết.

Lưu ý, số liệu năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2022) của Tiki đã được kiểm toán, trong khi số liệu của năm tài chính 2021 mà Tech in Asia dùng để so sánh vẫn chưa được kiểm toán.

Khoản tiền nêu trên của Tiki bao gồm số tiền mà sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam thu được từ đợt gọi vốn trị giá 258 triệu USD trong tháng 11/2021. Tuy nhiên, số tiền này chưa phản ánh khoản đầu tư 90 triệu USD của Tập đoàn tài chính Shinhan vào Tiki hồi tháng 5/2022.

Với giả định dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tiki đạt 100 triệu USD, Tech in Asia cho rằng, sàn thương mại điện tử này có thể hoạt động thêm gần 3 năm mà không cần gọi thêm vốn. Đồng nghĩa, việc niêm yết công khai của Tiki có thể đợi đến năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cho biết, công ty dự kiến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào năm 2025, tuy nhiên thương vụ này có thể diễn ra sớm hơn.

Một trong những phương án IPO mà Tiki có thể lựa chọn là thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Công ty đã thành lập Tiki Global có trụ sở tại Singapore trong năm 2022 để thuận lợi hơn cho quá trình IPO.

Theo Tech in Asia, khó khăn chắc chắn đang ở phía trước đối với Tiki, dù sàn thương mại điện tử này có muốn IPO hay không. Tiki đang gặp phải áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ Shopee, Lazada và TikTok Shop.

Doanh thu sụt giảm, Tiki báo lỗ 93 triệu USD năm 2022

Dữ liệu của Tech in Asia thể hiện, tổng doanh thu trong năm tài chính 2022 của Tiki ghi giảm 7% so với năm ngoái, xuống dưới ngưỡng 200 triệu USD. Trừ đi chi phí, Tiki báo lỗ 93 triệu USD, tăng 39% so với năm 2021.

Lỗ thêm 93 triệu USD năm 2022, kế hoạch IPO của Tiki bị ảnh hưởng ra sao?
Kết quả kinh doanh của Tiki trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022 (Nguồn: ACRA)

Tiki được biết đến là sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, là đối thủ đáng gờm của 2 “gã khổng lồ” Lazada và Shopee. Lấy cảm hứng từ Amazon của Jeff Bezos, doanh nhân Trần Ngọc Thái Sơn đã thành lập Tiki vào năm 2010 như một nền tảng bán sách trực tuyến.

Tiki viết tắt của cụm từ “tìm kiếm” và “tiết kiệm”. Cái tên này phản ánh tầm nhìn của nhà sáng lập về việc mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm tốt hơn và giá cả phải chăng hơn.

Nền tảng này sử dụng mô hình B2C và C2C nên tổng doanh thu được chia thành hai phần: bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Trong đó, doanh số bán hàng chiếm tới 88% tổng doanh thu trong năm tài chính 2022.

Về mảng dịch vụ, logistics là phân khúc lớn nhất và mang lại nhiều doanh thu nhất cho Tiki khi tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này không quá ngạc nhiên bởi Tiki đã cung cấp các dịch vụ giao hàng từ khá sớm, tương tự như chiến lược của Amazon.

Đáng chú ý, mảng dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất là Tiki Ads, với mức tăng 131% so với năm 2021. Tuy nhiên, phân khúc này lại chỉ chiếm 2% tổng doanh thu của công ty.

Lỗ thêm 93 triệu USD năm 2022, kế hoạch IPO của Tiki bị ảnh hưởng ra sao?
Cơ cấu doanh thu của Tiki phân theo loại hàng hóa dịch vụ (Nguồn: ACRA)

Tổng doanh thu của Tiki giảm 7% trong năm 2022, chi phí bán hàng giảm 1% cùng kỳ, kết quả là tỷ suất lợi nhuận gộp của Tiki giảm từ -9% xuống -16%.

Trong đó, tỷ suất lợi nhuận gộp là âm 19% đối với bán hàng và 3% đối với cung cấp dịch vụ. Điều này có nghĩa là khả năng sinh lời sẽ được cải thiện nếu Tiki có thể tăng doanh thu từ mảng dịch vụ với tốc độ nhanh hơn.

Về định hướng hoạt động, ông Thái Sơn từng chia sẻ với Tech in Asia rằng: “Tiki sẽ giống như một hệ thống cơ sở hạ tầng mở, nơi các startup có thể xây dựng bất cứ thứ gì họ cho là hữu ích cho cộng đồng khách hàng và các nhà bán hàng của chúng tôi”.

Trong những năm gần đây, Tiki đã đa dạng hóa các dịch vụ của mình, dù phía công ty đã phủ nhận rằng họ đang cố gắng trở thành một siêu ứng dụng.

Với xu hướng doanh thu hiện tại và việc chưa có lợi nhuận, Tiki cần “tái tạo” lại để duy trì tính cạnh tranh ngay tại Việt Nam./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả