Lỗ đầu tư cổ phiếu, lợi nhuận của “nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn giảm sâu
Quý I/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.221 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 59% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố báo cáo tài chính với những con số minh chứng rõ nét cho sự suy thoái của ngành thuỷ sản. Theo đó, doanh thu thuần của "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn trong quý I/2023 đạt 2.221 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ.
Mặc dù giá vốn hàng bán được tiết giảm mạnh nhưng lợi nhuận gộp trong quý của công ty vẫn theo đà lao dốc hơn 50% xuống chỉ còn 384 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận tín hiệu khởi sắc nhẹ khi tăng từ 71 tỷ đồng trong quý I/2022 lên 83 tỷ đồng trong quý I/2023, chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái đã thực hiện. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng 113%, ghi nhận 90 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Vĩnh Hoàn báo lãi 225,7 tỷ đồng, giảm tới 59% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu thu về 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty đã hoàn thành 22% kế hoạch đề ra cả năm.
Về tình hình tài chính của Vĩnh Hoàn, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty là 11.665 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ. Chỉ số hàng tồn kho ghi nhận 3.316 tỷ đồng tại thời điểm cuối kỳ, tăng 27% so với số đầu năm.
Bên cạnh đó, theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong danh mục đầu tư cổ phiếu, Vĩnh Hoàn đang đầu tư 179 tỷ đồng cho cổ phiếu. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối quý I/2022, mức giá trị hợp lý của các cổ phiếu trên đã có phần giảm so với giá gốc. Chính vì vậy, Vĩnh Hoàn đã trích lập dự phòng toàn bộ danh mục với giá trị 83,9 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 46,9% tổng danh mục.
Cụ thể, công ty trích lập dự phòng 84 tỷ đồng, tăng so với 76 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Trong đó chủ yếu đầu tư 77,4 tỷ đồng cổ phiếu NLG, trích lập dự phòng 32,5 tỷ đồng; đầu tư 57,3 tỷ đồng cổ phiếu DXS, trích lập dự phòng 38,9 tỷ đồng; đầu tư 32,8 tỷ đồng cổ phiếu KBC, trích lập dự phòng 7,7 tỷ đồng.
Dư nợ tính đến ngày 31/3/2023 của Vĩnh Hoàn đạt 3.775 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó chiếm đa số là nợ ngắn hạn với 96% tương đương 3.629 tỷ đồng.
Tại một diễn biến khác, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu cũng giảm theo.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.
Theo VASEP, trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid-19.
VASEP dự báo Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.
Xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận