Lên sàn HOSE, GELEX Electric có gì hấp dẫn?
GELEX Electric nắm trong tay nhiều lợi thế với triển vọng tích cực chung của lĩnh vực thiết bị điện, cũng như việc được đặt trong chuỗi giá trị của hệ sinh thái công ty mẹ - Tập đoàn GELEX.
Vào ngày 14/8 tới đây, 300 triệu cổ phiếu GEE của CTCP Điện lực GELEX (GELEX Electric) sẽ chào sàn HOSE. Giá tham chiếu cổ phiếu GEE là 37.150 đồng/CP, tương ứng vốn hoá 11.145 tỷ đồng, biên độ giao dịch trong phiên đầu tiên là 20%. Đóng cửa phiên 18/7/2024-phiên giao dịch cuối cùng trên sàn UPCOM trước khi chuyển niêm yết sàn HOSE, cổ phiếu GEE giao dịch vùng giá 43.000 đồng/CP.
Tiền thân của GELEX Electric là CTCP Điện lực GELEX do CTCP Tập đoàn GELEX (HoSE: GEX) thành lập vào ngày 29/8/2016. Năm 2018, GELEX thực hiện tái cấu trúc toàn bộ công ty, trong đó bao gồm việc đổi tên Công ty TNHH MTV Thiết bị đo điện thành Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX, với vai trò là công ty nắm giữ và quản lý phần vốn góp của Tập đoàn tại các công ty sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị điện.
Năm 2020, Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX chuyển đổi thành công ty cổ phần, đổi tên thành CTCP Thiết bị điện GELEX và tháng 12/2022, tiếp tục đổi tên thành CTCP Điện lực GELEX như hiện tại. Cũng trong năm 2022, công ty này bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM.
Việc chuyển sàn niêm yết sang HoSE không những khẳng định quan điểm phát triển minh bạch của lãnh đạo Tập đoàn GELEX, mà còn là cơ hội để giúp doanh nghiệp tăng độ nhận diện đến các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT GELEX Electric, đây cũng là cơ hội để đưa cổ phiếu GEE về đúng giá trị, khẳng định uy tín doanh nghiệp và tạo ra giá trị lớn nhất cho cổ đông.
Sau khi niêm yết sàn HOSE, công ty sẽ phát hành ra công chúng 30 triệu cổ phiếu khi được UBCKNN chấp thuận. Đợt phát hành này được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư, đồng thời giúp cải thiện thanh khoản cổ phiếu.
Với việc niêm yết sàn HOSE, GELEX Electric trở thành doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, đây vốn là lĩnh vực có rào cản gia nhập cao do đòi hỏi vốn đầu tư lớn, yêu cầu cao và nghiêm ngặt về kỹ thuật, năng lực sản xuất, chứng chỉ….
Mặt khác, dù nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam ngày một tăng cao do sự phát triển kinh tế, đô thị hóa, công nghiệp hóa… Tuy nhiên, chất lượng và an toàn của dây cáp điện và thiết bị điện của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa được đánh giá cao.
Do vậy, dư địa để phát triển của GELEX Electric là rất lớn trong bối cảnh công ty sở hữu nhiều đơn vị thành viên là nhà sản xuất kinh doanh thiết bị điện hàng đầu của ngành thiết bị điện Việt Nam, nổi bật là các ngành sản xuất kinh doanh dây cáp điện, máy biến áp phân phối, như CTCP Dây Cáp Điện Việt nam (CADIVI), CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM), CTCP Thiết bị điện (THIBIDI), CTCP Thiết bị Đo điện EMIC (EMIC)…
Ngoài ra, hệ thống của GELEX Electric bao gồm các cơ sở sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, hiện đại với công suất gần 2 triệu km dây, 2,65 triệu kVA máy biến áp, 50.000 động cơ cùng hàng triệu thiết bị đo điện mỗi năm.
Đặc biệt, với việc nằm trong chuỗi giá trị của hệ sinh thái Tập đoàn GELEX, GELEX Electric có khả năng khai thác hệ sinh thái trong tập đoàn mẹ để tạo ra nhiều giá trị cộng hưởng và phục vụ cho khách hàng tại các khu công nghiệp và dự án bất động sản, cung cấp thiết bị điện cho các dự án tiện ích của GELEX.
Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy tình hình tài chính của GELEX Electric liên tục có những bước tăng trưởng tích cực trong 8 năm hoạt động vừa qua.
Cụ thể, vốn điều lệ GELEX Electric đã tăng từ 368 tỷ đồng lên mức 3.000 tỷ đồng. Không những tăng mạnh về vốn, doanh thu/lợi nhuận GELEX Electric cũng gây ấn tượng.
Từ mức lãi ròng 96 tỷ đồng năm 2019, đến năm 2022 chỉ tiêu này đã ở mức 972 tỷ đồng, sang năm 2023 là 793 tỷ đồng. Doanh thu thuần cũng liên tục duy trì ở mức cao.
6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần hợp nhất của doanh nghiệp đạt 9.030 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Theo GELEX Electric, kết quả tích cực này đến từ việc áp dụng hiệu quả các giải pháp quản trị trong công tác sản xuất, bán hàng.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 18.381 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.158 tỷ đồng, tăng lần lượt là 10,7% và 19,7% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, sau nửa đầu năm, GEE đã hoàn thành 71% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Tính tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản công ty đạt 13.042 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu tài sản là đầu tư tài chính dài hạn (2.651 tỷ đồng), tài sản cố định (2.581 tỷ đồng), hàng tồn kho (3.743 tỷ đồng).
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả GEE đạt 6.788 tỷ đồng, giảm 12% so với số đầu năm 2024. Vốn chủ sở hữu hơn 6.253 tỷ đồng, tăng hơn 5%. Tính ra, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu công ty đạt mức 1,08 lần.
Dĩ nhiên, các chỉ số tài chính kể trên chỉ phản ánh một phần tiềm lực GELEX Electric. Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến Tập đoàn Gelex - cổ đông lớn nhất giàu tiềm lực và kinh nghiệm của GEE. Trong đó, hạt nhân quan trọng nhất là doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT GELEX Electric, cùng đội ngũ cộng sự.
Vị doanh nhân sinh năm 1984 là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính khi hiện là lãnh đạo cấp cao tại các đơn vị lớn, ông Tuấn cũng nổi bật trên thương trường với các thương vụ M&A nghìn tỷ.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Văn Tuấn trên vai trò Chủ tịch HĐQT cho biết: “Năm nay, GELEX Electric tiếp tục tập trung tái cấu trúc các doanh nghiệp trong mảng phát điện. Cùng với đó, công ty cũng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm có giá trị cao hơn, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Việc tập trung đầu tư cho công tác R&D nhằm xây dựng nền móng vững chắc để doanh nghiệp phát triển hơn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường