24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lật lại chuyện TDH thoái vốn chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Ra đời từ năm 2003, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trở thành địa điểm quen thuộc của hàng triệu người dân giao thương ở cửa ngõ phía Đông TPHCM suốt hơn 20 năm qua. Đây có thể được xem là một trong những chợ đầu mối nông sản lớn nhất Việt Nam.

Lật lại chuyện TDH thoái vốn chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Tòa nhà quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh: Tiến Vũ

Chợ được khởi công xây dựng vào năm 2002 với kinh phí ban đầu 182.4 tỷ đồng (chưa kể vốn đầu tư các công trình theo quy hoạch) trên quy mô hơn 20ha. Chợ được quy hoạch gồm: khu nhà lồng chợ, khu nhà phố chợ cùng với các công trình phụ trợ và dịch vụ chợ như: khu điều hành, khu xử lý kỹ thuật, khu hành chánh trung tâm, khu nhà nghỉ, khu nhà kho, ki-ốt, bãi đổ hàng hoá, bưu điện, ngân hàng, trạm xăng…

Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức (Thuduc Agromarket) thành lập ngày 8/1/2003, do CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) sở hữu 100% vốn, nhằm mục đích quản lý và điều hành hoạt động chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Công ty có ngành nghề kinh doanh gồm; cho thuê mặt bằng chợ, cho thuê văn phòng và cho thuê kho bãi; vận chuyển bốc dỡ hàng hóa; sơ chế, đóng gói hàng hóa; dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu; dịch vụ thương mại, đại lý ký gởi hàng hóa.

Việc hình thành và phát triển chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức đã tạo thành đầu mối tập kết hàng hóa phân phối cho các khu vực lân cận. Trong suốt quá trình hoạt động, đơn vị quản lý chợ đều đặn mang về doanh thu và lợi nhuận mỗi năm cho TDH.

HFIC yêu cầu TDH đánh giá thiệt hại khi thoái vốn Thuduc Agromarket

TDH quyết định thoái vốn Thuduc Agromarket từ năm 2018 và đến 2020 chính thức không còn liên quan gì về mặt sở hữu đối với doanh nghiệp này.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tới đây, vấn đề thoái vốn chợ đầu mối Thủ Đức đang đứng trước việc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) - cổ đông lớn sở hữu 6% vốn TDH, yêu cầu đánh giá lại phương án chuyển Thuduc Agromarket thành công ty cổ phần. HFIC đề nghị ĐHĐCĐ giao HĐQT TDH xác định/đánh giá mức độ thiệt hại thực tế đã phát sinh đối với TDH và các cổ đông (nếu có) đối với việc HĐQT TDH tại ngày 7/3/2018 biểu quyết thông qua phương án chuyển Thuduc Agromarket thành công ty cổ phần vượt quá thẩm quyền; đồng thời xác định trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan để báo cáo về ĐHĐCĐ xem xét xử lý vi phạm theo quy định.

Đầu năm trước, sau chuỗi biến động lãnh đạo bị khởi tố, bê bối trốn thuế, và trong bối cảnh thị trường bất động sản đầy khó khăn, TDH lên tiếng cho hay đang thực hiện mọi giải pháp phù hợp với pháp luật để quyết tâm sớm lấy lại quyền kinh doanh hợp pháp của TDH tại chợ đầu mối Thủ Đức, với vai trò là chủ đầu tư dự án và là đơn vị duy nhất được UBND TPHCM giao cho quản lý toàn bộ các công trình của chợ.

Nói về quá trình ra đời của khu chợ này, TDH cho biết, đây là công trình thực hiện theo chủ trương của UBND TPHCM nhằm di dời tiểu thương từ 10 chợ nông sản thực phẩm nội thành đến kinh doanh tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức và quận 8. Theo đó, chợ đầu mối Thủ Đức được TDH khởi công năm 2002.

Để thuận tiện cho hoạt động của chợ, TDH gửi văn bản và được UBND TPHCM chấp thuận thành lập công ty con 100% vốn do TDH sở hữu là Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức (gọi tắt là Công ty Chợ), công ty này được TDH giao ký hợp đồng thuê dài hạn với tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Ngày 7/3/2018, HĐQT TDH đã thông qua việc cổ phần hóa Công ty Chợ, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 49%, không còn là công ty mẹ.

Sau khi xem xét đề xuất của ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng – cựu Tổng Giám đốc TDH (bị khởi tố) do khó khăn về tài chính, đề xuất phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của TDH tại Công ty Chợ và được HĐQT giao quyền chào bán, tìm kiếm đối tác. Ngày 4/6/2020, HĐQT đã phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Chợ với tổng số lượng hơn 1.8 triệu cp (49%), đơn giá 48,000 đồng/cp cho Công ty Song Hoàng.

Ngày 5/6/2020, ông Hoàng ký hợp đồng về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nói trên. Đến 30/6/2020, TDH chính thức hoàn tất giao dịch và không còn sở hữu cổ phần cũng như không còn bất kỳ lợi ích nào liên quan tới Công ty Chợ.

Sau thoái vốn, để Công ty Chợ tiếp tục được khai thác các hoạt động kinh doanh tại chợ, TDH đã ký kết với Công ty Chợ các hợp đồng hợp tác kinh doanh như khu xây dựng dịch vụ công cộng, bãi đậu xe 1+2, Chợ B và C, hai khu ki-ốt với thời hạn từ 1/7/2021-31/12/2021.

Sau thời gian này, cũng là khi TDH có ban điều hành mới, đã yêu cầu Công ty Chợ bàn giao lại mặt bằng theo đúng quy định để TDH tự khai thác kinh doanh. Tuy nhiên, Công ty Chợ chỉ giao lại khu đất xây dựng dịch vụ công cộng; đối với bãi đậu xe 1+2, Chợ B và C, hai khu ki-ốt Công ty Chợ không hợp tác bàn giao, và phản hồi bằng văn bản với các nội dung mà TDH cho là “đầy thách thức”.

Công ty Chợ cho rằng, dựa vào đề nghị từ đại diện của TDH, họ ký hợp đồng hợp tác ngày 1/7/2021 để có cơ sở thanh toán cho TDH số tiền 42 triệu đồng/tháng để hỗ trợ một phần cho TDH trả lương và thanh toán chi phí khác, trong giai đoạn TDH “gặp khó khăn về tài chính trên cơ sở thiện chí và sự hợp tác trong suốt 18 năm qua”.

Theo Công ty Chợ, TDH không thể căn cứ hợp đồng nói trên để yêu cầu bàn giao mặt bằng bãi xe 1+2 vì việc ký kết là để “hợp thức hóa dòng tiền” mà Công ty Chợ hỗ trợ cho TDH từ tháng 7 tới 12/2021. Công ty Chợ nói rằng, đây là “hợp đồng giả cách để hợp thức việc hỗ trợ dòng tiền chi trả lương nhân viên, duy trì hoạt động của TDH trong giai đoạn TDH gặp khó khăn nhất về tài chính”.

Tại thời điểm tháng 6/2020, TDH đã thoái toàn bộ 100% vốn Công ty Chợ, thu về 153.6 tỷ đồng. Theo đó, hai bên là hai đơn vị độc lập, không còn bất kỳ lợi ích liên quan, “nên các tài sản, quyền quản lý, khai thác và kinh doanh cụm công trình chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thuộc về Công ty Chợ”, trích tuyên bố của Công ty Chợ.

TDH đã phản hồi lại và cho rằng các nội dung của Công ty Chợ là hoàn toàn không có căn cứ và không phù hợp quy định pháp luật cũng như các quyết định của UBND TPHCM. TDH lý giải, việc thoái vốn không đồng nghĩa việc thoái toàn bộ các mặt bằng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của TDH tại chợ được chuyển sang Công ty Chợ. Thời điểm TDH thoái 51% vốn vào năm 2018 thì Công ty Chợ mặc nhiên đã không còn đủ điều kiện là công ty con của TDH, không còn là đối tượng của phần trách nhiệm thuộc về Công ty Chợ theo quyết định năm 2008 của UBND TPHCM .

Việc ký các hợp đồng hợp tác mà Công ty Chợ xác định là để “hỗ trợ” TDH trong giai đoạn TDH gặp khó khăn về tài chính là không chính xác. Theo TDH, thời điểm ký kết các hợp đồng hợp tác và sau khi ký phụ lục điều chỉnh giảm doanh thu phân chia cho TDH thì tổng doanh thu phân chia cho TDH của các hợp đồng hợp tác chỉ vừa đủ để TDH thanh toán tiền thuê đất cho Nhà nước. Các hợp đồng được hai bên thỏa thuận thanh toán vào ngày 5 của tháng kế tiếp, hết hạn ngày 31/12/2021, đến 25/4/2022 sau nhiều lần TDH đề nghị thì Công ty Chợ mới thanh toán số tiền theo hợp đồng hợp tác, nên không thể gọi là hỗ trợ TDH khi gặp khó khăn về tài chính, phía TDH lập luận.

Căn cứ các quyết định của UBND TPHCM và các hợp đồng được xác lập bởi ban điều hành cũ của hai công ty, TDH khẳng định họ là đơn vị duy nhất được quyền khai thác kinh doanh hợp pháp tại chợ với vai trò là chủ đầu tư dự án.

Nhập nhằng quyền sở hữu quyền sử dụng đất tại dự án chợ

Liên quan việc ngày 7/5/2020 ban điều hành cũ của TDH đề nghị chuyển cho Công ty Chợ 8 hợp đồng thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại chợ của TDH, TDH cho hay người ký kết công văn gửi UBND TP và Sở TN&MT là cựu TGĐ Nguyễn Vũ Bảo Hoàng.

Công ty Chợ cho rằng, họ là thành viên của TDH đang ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh hoặc hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh với tiểu thương theo quyết định năm 2008 của UBND TPHCM, TDH có nghĩa vụ thực hiện nộp tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.

Theo TDH, để thuận tiện trong việc quản lý sổ sách kế toán, điều hành, quản lý chợ, thống nhất nghĩa vụ nộp tiền thuê đất và nghĩa vụ tài chính khác, TDH đề nghị UBND TPHCM, Sở TN&MT cho phép điều chỉnh các thủ tục liên quan giao đất, hợp đồng thuê đất đã ký từ TDH sang Công ty Chợ, sẽ đứng tên các hợp đồng thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến thời điểm 7/5/2020, Công ty Chợ đã không còn là công ty thành viên của TDH, và TDH cũng chưa ký kết bất kỳ hợp đồng xác nhận giao dịch chuyển nhượng 8 khu đất cho Công ty Chợ. Ngoài ra, tại giải trình của ban điều hành cũ gửi cổ đông vào tháng 5/2018 cũng khẳng định việc Công ty Chợ hoàn toàn không có quyền sở hữu bất động sản nào tại khu vực kinh doanh chợ, ngay cả khu đất và tòa nhà hiện tại là Công ty này thuê từ TDH.

TDH cũng cho biết, trước đó ngày 20/2/2020, ông Hoàng trình HĐQT chủ trương xây dựng phương án chuyển nhượng các khoản đầu tư để giải quyết khó khăn của TDH, trong đó có việc thoái hết cổ phần của TDH tại Công ty Chợ. Ngày 7/5/2020, ông Hoàng vẫn ký ban hành công văn đề nghị UBND TPHCM và Sở TN&MT chuyển quyền thuê của 8 hợp đồng thuê đất và GCN QSDĐ thuộc các hạng mục tại chợ từ TDH sang Công ty Chợ với lý do được đưa ra là Công ty Chợ là công ty thành viên của TDH trong khi chủ trương chuyển quyền thuê này chưa được trình HĐQT TDH thông qua.

Thông tin về 8 khu đất gồm bãi đậu xe 1 tại chợ với diện tích 6,954m2, bãi đậu xe tại chợ diện tích 9,469m2, nhà lồng chợ C diện tích 1,878m2, Nhà lồng chợ B diện tích 12,078m2, khu xây dựng ki-ốt diện tích 1,461m2, khu đất xây dựng ki-ốt diện tích 1,642m2, khu trung tâm hành chính tại chợ diện tích 2,408m2, khu đất xây dựng dịch vụ công cộng tại chợ diện tích 2,685m2. Tất cả đều là đất Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm.

Hiện việc chuyển quyền thuê đất từ TDH cho Công ty Chợ theo văn bản của ông Hoàng là chưa thực hiện, toàn bộ 8 khu đất vẫn do TDH đứng tên trên các hợp đồng thuê đất và GCN QSDĐ và TDH vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm.

TDH cho hay đã tiến hành các thủ tục khởi kiện Công ty Chợ ra tòa án và đã được Tòa thụ lý giải quyết. TDH cũng đã kiến nghị lên UBND TPHCM , Sở Công thương hướng dẫn thủ tục để TDH sớm được tiếp nhận điều hành hoạt động kinh doanh tại chợ.

Cha đẻ của ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng làm Tổng Giám đốc Công ty Chợ

Theo tìm hiểu của người viết, tháng 5/2018 TDH đã bán 51% vốn Công ty Chợ cho 60 người từ cấp phó phòng trở lên, gồm 36 cán bộ quản lý tại TDH và 24 cán bộ tại Công ty Chợ với giá 34,900 đồng/cp. Thời điểm này Công ty Chợ có vốn điều lệ 37 tỷ đồng được duy trì từ năm 2012, như vậy TDH thu về khoảng 66 tỷ đồng.

Thời điểm thoái 51% vốn, TDH cho biết không bán cổ phần ra bên ngoài và duy trì quyền kiểm soát của TDH tại Công ty Chợ là vô cùng quan trọng, do đây là chợ đầu mối nông sản trọng điểm của TPHCM; có tính chất kinh doanh đặc thù nên việc đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, quản lý là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Sau khi TDH thoái vốn, Công ty Chợ thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp lần thứ nhất cho thấy ông Nguyễn Văn Huây giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, thời điểm tháng 8/2018 ông Huây nắm 38,908 cp Công ty Chợ (1.05%). Tại đây, từ năm 2003-2010, ông Huây là Trưởng Phòng kinh doanh, 2013-2015 là Phó Giám đốc và từ 2015 giữ chức Giám đốc. Ông Huây chính là cha ruột của cựu TGĐ TDH Nguyễn Vũ Bảo Hoàng.

Lật lại chuyện TDH thoái vốn chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Ông Nguyễn Văn Huây

Công ty Song Hoàng là cái tên vô cùng kín tiếng, xuất hiện trong danh sách cổ đông sáng lập CTCP Quốc tế Phong Phú (một doanh nghiệp cũng có liên quan tới TDH trước đây) và cũng cổ đông của CTCP Dệt may Thắng Lợi. Theo tìm hiểu, Song Hoàng có tên đầy đủ là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Song Hoàng, thành lập năm 1999, trụ sở tại quận 11, TPHCM; ngành nghề chính là buôn bán hàng may mặc, vải sợi. Công ty hiện do ông Trương Minh Thiện làm Chủ tịch HĐTV; vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cổ đông gồm bà Bùi Thị Thúy nắm 47%, bà Nguyễn Thị Vóc (cùng nơi ở với bà Thúy) nắm 35% và ông Thiện 18%.

Trong lần thoái 49% vốn (hơn 1.8 triệu cp) còn lại tại Công ty Chợ với giá 48,000 đồng/cp, TDH cho biết bên mua là Công ty Song Hoàng. Ước tính cả hai lần thoái, TDH thu về hơn 153 tỷ đồng.

Thống kê giai đoạn 2008-2020, Công ty Chợ mang về khoản lợi nhuận chia cho TDH mỗi năm trung bình khoảng 7 tỷ đồng, doanh thu cho thuê ô vựa chợ cũng thuộc về TDH bình quân gần 40 tỷ đồng giai đoạn 2009-2015.

Đến cuối 2021, TDH có khoản phải thu từ chuyển nhượng bất động sản đầu tư đối với Công ty Chợ trị giá 16.7 tỷ đồng, khoản này xuất hiện vào cuối năm 2019, tức sau khi TDH thoái 51% vốn.

Lật lại chuyện TDH thoái vốn chợ đầu mối nông sản Thủ Đức
Lật lại chuyện TDH thoái vốn chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Nguồn: Người viết tổng hợp

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2.36 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả