Lăng kính chứng khoán: Chỉ số có thể tiếp tục thử thách vùng 1.200
Nhà đầu tư có thể gia tăng tỉ trọng đối với các cổ phiếu đang có xu hướng vượt trên vùng kháng cự, thu hút lực cầu tốt thuộc các nhóm thép, chứng khoán, bất động sản
Thị trường khởi sắc trở lại cùng ngành bán lẻ và nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ bứt tốc đẩy VN-Index tăng hơn 13 điểm cuối phiên, khối ngoại trở lại mua ròng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/7, VN-Index tăng 13,09 điểm, tương đương 1,12% lên 1.185,9 điểm. Toàn sàn có 348 mã tăng, 120 mã giảm và 53 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,91 điểm, tương đương 0,82% lên 234,98 điểm. Toàn sàn có 116 mã tăng, 71 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,5 điểm lên 88,15 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 25 mã tăng giá.
Mức tăng toàn thị trường dâng cao đã mang lại tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 22.561 tỷ đồng, tăng 21% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 20.273 tỷ đồng, tăng 23% so với phiên trước. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 7.970 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Với diễn biến hiện tại, VN-Index sẽ tiếp tục hướng lên khu vực 1.200 tương ứng với thang đo Fibonacci mở rộng 0.786, khi đó áp lực điều chỉnh có thể sẽ diễn ra mạnh và bất ngờ hơn. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng đối với các cổ phiếu đang có xu hướng vượt lên trên vùng kháng cự và đang thu hút lực cầu tốt thuộc các nhóm ngành như thép, chứng khoán, bất động sản.
Nhìn chung, xu hướng phục hồi của thị trường đang mạnh dần lên sau phiên tăng 21/7. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch lướt sóng, trong đó ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh tích cực, và đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường. Đồng thời có thể tiếp tục nắm giữ hoặc khai thác cơ hội ngắn hạn tại các cổ phiếu có tín hiệu tốt từ nền tích lũy. Tuy nhiên vẫn cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đã tăng đến vùng cản để cân đối lại danh mục.
Tin vắn chứng khoán
- Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2023, xuất nhập khẩu cả nước đạt 27,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với nửa cuối tháng 6, trong đó, xuất khẩu đạt 13,81 tỷ USD, nhập khẩu 13,38 tỷ USD, xuất siêu 0,43 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 178,5 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 165,2 tỷ USD, giảm 18,4%.
Với mức thực hiện này, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 343,65 tỷ USD, giảm 14,9%. Cán cân thương mại tính đến 15/7 xuất siêu 13,25 tỷ USD. Nhìn vào kết quả xuất khẩu nửa đầu tháng 7 vẫn thấy rõ khó khăn bao trùm hoạt động thương mại. Tuy nhập khẩu đã tăng so với kỳ trước 5,5%, nhưng lũy kế từ đầu năm đến 15/7 vẫn giảm 18,4% (tương đương mức giảm hơn 37 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái).
- Xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt 143 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc & HongKong đạt 48 triệu USD, giảm 15%; xuất khẩu sang Mỹ đạt 23 triệu USD, giảm 51%, xuất khẩu sang khối thị trường CPTPP đạt 21 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc & HongKong nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức này thu hẹp chỉ còn 15%. Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ tháng 6/2023 đạt 23 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng âm 2 con số trong tháng 6/2023, nhưng so với 2 tháng trước đó, khoảng cách cũng đã được thu hẹp. Cụ thể, tháng 5/2023 xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 53% và tháng 4/2023 giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận